Quốc tế
Chính trường Pháp thêm rối ren
Chính trường Pháp đang trong tình trạng bất ổn nhất trong nhiều thập niên qua, sau khi không phe nào giành được thế đa số tuyệt đối sau cuộc bầu cử vừa qua, đẩy Quốc hội đứng trước kịch bản “treo”.
Lãnh đạo France Unbowed, đảng lớn nhất trong liên minh cánh tả, phát biểu sau vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp ở Paris vào ngày 7-7. Ảnh: AP |
Theo AFP, trái ngược với dự đoán của giới phân tích và thăm dò trước đó, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) bất ngờ lội ngược dòng khi giành vị trí dẫn đầu sau vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, giành thắng lợi trước đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và đồng minh. Trong khi đó, liên minh trung dung “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron trở thành phe thiểu số trong Quốc hội sau khi mất đa số tương đối.
Quốc hội chia rẽ
Theo CNN, kết quả bầu cử càng cho thấy sự phân cực rõ nét với các phe cánh tả, cánh hữu và trung dung có số ghế không chênh nhau quá nhiều trong Quốc hội. Thực tế này dẫn đến viễn cảnh chính trường sắp bước vào thời kỳ bất ổn kéo dài khi cả ba phe đối lập về ý tưởng và chương trình nghị này sẽ cạnh tranh nhau gay gắt để lập liên minh hoặc rốt cuộc sẽ cùng mắc kẹt trong trạng thái tê liệt. “Canh bạc” kêu gọi bầu cử chớp nhoáng trước thời hạn của ông Macron đã đẩy lùi phe cực hữu nhưng lại vô hình trung khiến chính trường Pháp rơi vào hỗn loạn với sự trỗi dậy bất ngờ của cánh tả.
Việc liên minh cầm quyền trở thành phe thiểu số trong Quốc hội khiến ông Macron sẽ gặp nhiều khó khăn để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của mình vì ông cần có sự ủng hộ của các nhà lập pháp trong Quốc hội để thực hiện các chính sách đề ra. Việc phải “chung sống” với cánh tả cũng sẽ là điều trớ trêu đối với ông Macron, bởi ông đã ấn định nhiệm kỳ thứ hai theo hướng hữu khuynh, mà nổi bật là dự án cải cách hưu trí và luật nhập cư.
Câu hỏi hiện tại đối với nước Pháp là liệu liên minh cánh tả NFP có thể thành lập chính phủ ổn đ trong khi bị cản trở bởi khối RN cực hữu vẫn còn số ghế đáng kể trong Quốc hội hay không. CNN dẫnận định của hầu hết chuyên gia cho rằng, Pháp còn chặng đường dài phía trước để thành lập chính phủ hoạt động ổn định vì sự khác biệt rõ ràng về chính sách giữa khối cánh tả và những người theo chủ nghĩa trung dung của ông Macron. “Có thể sẽ mất nhiều tuần để giải quyết tình trạng hỗn loạn trong khi chính phủ đương nhiệm xử lý công việc hiện nay”, Công ty phân tích rủi ro Eurasia Group bình luận.
Các kịch bản tiềm năng
Đến nay, giới quan sát vẫn chưa rõ ông Macron sẽ lựa chọn giải pháp “chung sống” nào. Theo AFP, ông Macron có thể chỉ định một nhân vật đủ uy tín của cánh tả đứng ra xây dựng liên minh giữ đa số tuyệt đối, với sự góp mặt của một phần cánh tả, một phần cánh hữu và các đại biểu thuộc phe của ông. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, ông còn giải pháp chẳng đặng đừng: lập chính phủ kỹ trị, với một nhóm gồm các học giả, chuyên gia và công chức cấp cao, không liên quan đến bất kỳ đảng phái chính trị nào, làm việc dưới sự điều hành của một nhân vật được đề cử vào phủ thủ tướng theo nguyên tắc đồng thuận. Các bộ trưởng trong chính phủ kỹ trị sẽ được quyền bỏ phiếu về ngân sách. Tuy nhiên, ông Macron sẽ phải chấp nhận từ bỏ các tham vọng cải cách trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Theo CNN, với Quốc hội bị chia rẽ như vậy, không có hy vọng nào về những cải cách cơ cấu lớn ở cấp độ trong nước, và điều tốt nhất mà phe cánh tả kỳ vọng là các liên minh cùng bỏ phiếu thông qua từng đạo luật riêng lẻ. Về đối nội, phe cánh tả hứa hẹn tăng mức lương tối thiểu hằng tháng và hãm đà tăng của giá thực phẩm thiết yếu, điện, nhiên liệu và khí đốt; loại bỏ cải cách lương hưu của ông Macron về nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Song, những cam kết này khó thành hiện thực vào thời điểm nước này có thể hướng tới thời kỳ thắt lưng buộc bụng. Về chính sách đối ngoại, phe cánh tả cam kết ngay lập tức công nhận nhà nước Palestine và sẽ thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở dải Gaza. Thật khó để tưởng tượng Pháp sẽ đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong vấn đề Ukraine sắp tới bởi ông Macron từng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong khi cánh tả vẫn tương đối im lặng về vấn đề này còn phe cực hữu phản đối việc nước này sử dụng vũ khí tầm xa do Pháp cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga và sẽ phản đối việc đưa quân Pháp tới Ukraine.
Thủ tướng Pháp từ chức Ngày 7-7, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal tuyên bố gửi đơn từ chức tới Tổng thống Macron nhưng vẫn chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm ông. Sự ra đi của ông được nhiều người dự đoán ngay từ sau cuộc bầu cử vòng một khi liên minh của ông Macron xếp sau cùng. Sắp tới, ông Macron đối mặt với nguy cơ phải bổ nhiệm một nhân vật từ liên minh cánh tả trong thỏa thuận hiếm hoi được gọi là “sống chung” sau cuộc bầu cử. |
THƯ LÊ