Quốc tế
Nợ ở các quốc gia cao gần bằng quy mô kinh tế toàn cầu
Các chính phủ đang đối mặt với khoản nợ khổng lồ 91.000 tỷ USD, mức chưa từng có trong lịch sử và gần bằng quy mô nền kinh tế toàn cầu. Gánh nặng nợ không ngừng tăng, một phần do chi phí ứng phó với Covid-19, có nguy cơ đe dọa mức sống người dân, ngay cả ở những nền kinh tế giàu nhất như Mỹ.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: AFP |
Mỹ là một trong những nước có nợ công cao nhất thế giới. Theo CNN, các nhà kinh tế liên tục đưa ra cảnh báo về thâm hụt liên bang ngày càng tăng của Mỹ, vốn đang trên đà đạt mức kỷ lục trong 3 năm tới. Chính phủ liên bang phải chi 892 tỷ USD trong năm tài chính hiện tại để trả lãi. Con số này nhiều hơn số tiền dành cho quốc phòng và gần bằng ngân sách cho Medicare, chương trình bảo hiểm y tế cho người già và khuyết tật.
Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ, vào năm 2025, các khoản thanh toán lãi sẽ lên tới 1.000 tỷ USD đối với khoản nợ quốc gia trị giá hơn 30.000 tỷ USD. Bản thân con số này đã là một khoản tiền gần bằng quy mô nền kinh tế Mỹ. Dự đoán nợ của Mỹ sẽ tương đuơng 122% GDP chỉ sau 10 năm nữa và chạm mức 166% GDP vào năm 2054, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nếu nợ chạm tới mức tương đương 150% hoặc 180% GDP, điều đó có nghĩa nền kinh tế và xã hội nói chung phải trả cái giá rất nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, thâm hụt tài chính kinh niên của Mỹ phải được giải quyết khẩn cấp thông qua sắp xếp lại các ưu tiên chi tiêu và điều chỉnh cách đánh thuế người dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ công cao hơn có thể tỷ lệ thuận với lãi suất cao hơn, khiến cả chính phủ và người tiêu dùng đối mặt với chi phí ngày càng tăng. Khi gánh nặng nợ nần chồng chất trên khắp thế giới, lợi suất trái phiếu cũng tăng vọt theo. Vì lãi suất trái phiếu chính phủ được sử dụng để định giá các khoản nợ khác, như các khoản thế chấp, nên lãi suất tăng cũng có nghĩa là chi phí đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp cao hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Khi lãi suất tăng, đầu tư tư nhân giảm và chính phủ ít có khả năng vay mượn để ứng phó với suy thoái kinh tế.
Theo ABC News, khoản vay hôm nay sẽ tác động các thế hệ tương lai, những người sẽ cảm nhận tác động rõ rệt của thực trạng này khi họ sẽ phải đối mặt với lãi suất cao hơn, tốc độ tăng trưởng thu nhập chậm lại và ít cơ hội kinh tế hơn. Mặc dù họ sẽ không phải trực tiếp trả số nợ khổng lồ nhưng chính phủ sẽ phải bù đắp những chi phí đó ở một mức độ nào đó trong suốt cuộc đời của họ. Nói một cách dễ hiểu, các thế hệ tương lai có thể phải chịu mức thuế cao hơn để giải quyết vấn đề tài chính hiện giờ và một khi thuế cao hơn sẽ khiến người tiêu dùng có thu nhập khả dụng ít hơn. Bên cạnh đó, lãi suất và chi phí trả nợ cao hơn có thể cản trở các khoản đầu tư khác từ chính phủ nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế hoặc trợ cấp cho người dân. Thực tế, chi tiêu chính phủ là một trong những cách chính để thúc đẩy hoạt động kinh tế và việc thiếu đi hoạt động này có thể gây ra tình trạng chững lại mà phải mất nhiều năm mới khắc phục được nếu không có sự can thiệp.
Có thực tế đáng lo là trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng ở phương Tây, các chính trị gia phần lớn phớt lờ vấn đề nợ công tràn lan khi họ không muốn nói với cử tri về việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để giải quyết tình trạng này. Trong một số trường hợp, các chính trị gia thậm chí còn đưa ra lời hứa hào phóng mà giới quan sát lo ngại nó có thể khiến tăng lạm phát trở lại và thậm chí châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính mới. Các nhà đầu tư lo ngại cử tri sẽ bầu ra một quốc hội gồm những người theo chủ nghĩa dân túy có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và cắt giảm thuế, làm trầm trọng thêm khoản nợ và thâm hụt ngân sách vốn đã cao ở một số nước châu Âu. Đến nay, các chuyên gia chưa thể dự đoán chính xác thời điểm khoản nợ mất tính bền vững, dẫn đến khủng hoảng tài chính.
THƯ LÊ