Quốc tế
"Sứ mệnh hòa bình" của Thủ tướng Hungary
Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Hungary Viktor Orban lần lượt công du Ukraine và Nga, rồi bất ngờ thăm Trung Quốc như một phần hiện thực hóa “sứ mệnh hòa bình” của ông.
Theo Reuters, phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Zelensky vào sáng 2-7, Thủ tướng Orban cho biết: “Tôi đã đề xuất với Tổng thống Ukraine suy nghĩ xem liệu có thể đảo ngược quy trình và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình bằng việc thực hiện lệnh ngừng bắn trước hay không. Lệnh ngừng bắn có thời hạn sẽ tạo cơ hội để đẩy nhanh đàm phán hòa bình”. Thủ tướng Orban khẳng định, vấn đề này là trọng tâm chuyến thăm và cũng là vấn đề quan trọng đối với EU khi mà Hungary đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên.
Không dừng lại ở đó, theo AP, ngày 5-7, Thủ tướng Orban có chuyến thăm không báo trước tới Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh triển vọng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chưa có nhiều tiến triển. Tháng 6-2024, Tổng thống Putin đề xuất các điều kiện đàm phán hòa bình, song Ukraine không chấp nhận. Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Orban cho rằng, số lượng các quốc gia có thể thảo luận với cả Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột đang giảm dần. Trong tương lai gần, Hungary có thể là quốc gia duy nhất trong EU duy trì quan hệ và đối thoại với cả Nga và Ukraine. Ông cũng muốn nhân cơ hội này thảo luận một số vấn đề khó khăn và tìm hiểu quan điểm của Nga về các vấn đề quan trọng đối với châu Âu. Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Thủ tướng Orban nỗ lực chứng minh là một nhà hoà giải tốt nhất khi phản đối các lệnh trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga và từ chối tham gia vào kế hoạch của NATO nhằm gia tăng hỗ trợ cho Ukraine.
Tiếp tục mục tiêu của mình, theo đài Deutsche Welle, ngày 8-7, nhà lãnh đạo Hungary đến Trung Quốc với mục tiêu hiện thực hóa “Sứ mệnh hòa bình 3.0”. Kể từ năm ngoái, Trung Quốc thúc đẩy công thức hòa bình với 12 điểm, gồm việc chấm dứt thù địch và các biện pháp trừng phạt đơn phương, tôn trọng lẫn nhau đối với các mối quan ngại về an ninh quốc gia và chủ quyền của các quốc gia, cũng như bác bỏ tư duy chiến tranh lạnh.
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, với mục tiêu không có gì khác hơn là tìm các giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột, ông Orban trực tiếp gặp các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine để đưa ra đề xuất và tìm hiểu quan điểm của đôi bên, tiếp đó là đến Trung Quốc, quốc gia được cho là có thể đóng vai trò lớn để kiến tạo hòa bình. Theo ông Orban, một trong những bước quan trọng nhất để chấm dứt xung đột thông qua đàm phán chính là thiết lập liên lạc của các bên liên quan để tạo cơ hội.
Tuy vậy, sứ mệnh hòa bình của ông Orban gặp phản ứng gay gắt từ Ukraine và các đồng minh phương Tây. Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích lời kêu gọi ngừng bắn của nhà lãnh đạo Hungary đưa ra với Nga mà không tham vấn trước với Ukraine. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho rằng, nhà lãnh đạo Hungary không có thẩm quyền để đàm phán thay mặt cho EU trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của mình. Theo Euronews, các chính phủ tại EU lo ngại một động thái như vậy có thể phá vỡ sự thống nhất của EU, nhất là trong bối cảnh các đảng cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua. Chuyến đi cũng làm lu mờ những nỗ lực của Hungary nhằm công bố các ưu tiên của chính phủ trong 6 tháng tới, bao gồm việc thực hiện chính sách di cư cứng rắn hơn, phát triển chiến lược quốc phòng châu Âu và hỗ trợ quá trình chuyển đổi suôn sẻ hậu bầu cử EP. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn thường kỳ trên Đài phát thanh quốc gia Hungary, Thủ tướng Orban nhấn mạnh:“Tất cả những gì tôi làm là đến những nơi có xung đột hay nguy cơ xung đột đe dọa EU, làm rõ sự thật và đặt ra các câu hỏi”.
LÊ MINH HÙNG