Quốc tế
SCO và kỷ nguyên mới cho hợp tác, mở rộng
Diễn đàn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm nay đánh dấu sự kiện mở rộng khối với việc Belarus trở thành thành viên chính thức. Hai nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc sẽ tham dự SCO nhưng Thủ tướng Modi của Ấn Độ vắng mặt.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của lãnh đạo các nước thành viên SCO diễn ra trong hai ngày 3 và 4-7 tại thủ đô Astana (Kazakhstan). Sau kỳ họp tổ chức trực tuyến năm 2023, cuộc họp năm nay của khối được giới quan sát rất quan tâm vì tại diễn đàn lần này, Belarus sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 10 của SCO.
Theo The Astana Times, một ngày đầu tháng 7-2024, tại cảng cạn của Horgos (hay Khorgos) - thành phố nhỏ thuộc Khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), giáp biên giới với Kazakhstan, hàng trăm chiếc xe điện đang “xếp hàng” chờ thủ tục thông quan. Những chiếc xe điện này sẽ được xuất khẩu đi các nước châu Á, hoặc có thể tới những nơi xa hơn nữa. Cùng lúc ấy, ở thủ đô Astana (Kazakhstan), sự kiện quốc tế rất lớn là hội nghị thượng đỉnh của SCO diễn ra, sự kiện được nhận định sẽ đi đến những quyết định mang tính chiến lược, góp phần tạo ra tác động đáng kể các vấn đề khu vực cũng như thế giới.
Điểm nhấn lớn nhất của hội nghị năm nay là sự công nhận chính thức Belarus trở thành thành viên với cách tư cách đầy đủ. Sự kiện này cho thấy SCO đã phát triển từ một diễn đàn ở Trung Á gồm chỉ toàn các nước trong khu vực thành một khối hợp tác có sự mở rộng cả về địa lý cũng như địa chính trị. Sau khi Ấn Độ,Pakistan gia nhập năm 2017 và Iran gia nhập năm 2023, Belarus sẽ là nước châu Âu duy nhất tính tới nay gia nhập SCO.
Hợp tác kinh tế chắc chắc sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Astana. Theo đó, dự kiến tại diễn đàn các đại biểu cùng bàn thảo những sáng kiến nhằm giảm các rào cản thương mại, hài hòa về quy định quản lý giữa các bên và thúc đẩy đầu tư của nước thành viên.
Việc gia nhập SCO sẽ là một quyết định quan trọng về chính sách đối ngoại của Belarus. Theo China Daily, trong nhiều phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh trước đây của SCO, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhấn mạnh tiềm năng của tổ chức này, đặc biệt trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại thông qua hợp tác công nghệ và công nghiệp, chuyển đổi số, kinh tế xanh và các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, Belarus rất cần sự tiếp cận dễ dàng hơn vào các thị trường quốc tế và coi SCO như một nền tảng quốc tế quan trọng để thiết lập cơ chế cụ thể cho thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Theo Astana Times, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) chắc chắn sẽ được nhấn mạnh như một khuôn khổ trọng yếu để tăng cường kết nối và các mối quan hệ kinh tế giữa các thành viên SCO.
Hội nghị lần này diễn ra ở thời điểm quan trọng khi khối này mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như góp phần giải quyết các vấn đề thách thức đối với khu vực cũng như thế giới.
Theo The Astana Times, các nước thành viên SCO chiếm khoảng một nửa dân số thế giới và gần 1/3 GDP toàn cầu. Với việc hợp tác giữa các nước lớn trong khu vực như Ấn Độ và Pakistan, kế đó là Iran, SCO đang mang lại nhiều lợi ích hơn, cũng như tạo ra nhiều tầm nhìn mới. Từ hợp tác kinh tế sẽ dẫn tới tăng cường hơn trong hợp tác quốc phòng, thúc đẩy tiến bộ trong đổi mới sáng tạo về công nghệ, số hóa, sáng kiến mới ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Với tư cách là một thành viên mới duy nhất đến từ châu Âu của SCO, Belarus sẽ giúp mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của khối, bên cạnh những khu vực đã có tại Trung, Nam và Tây Á, góp phần củng cố SCO trở thành đối trọng lớn với các tổ chức hợp tác của phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Astana ngày 4-7 khi cùng tham dự diễn đàn của SCO. Đây cũng là lần gặp nhau thứ hai của họ sau khoảng 2 tháng. Trước đó hai ông gặp nhau tại Bắc Kinh khi nhà lãnh đạo Nga tới thăm Trung Quốc.
TRẦN ĐẮC LUÂN