Quốc tế
Chuỗi cung ứng toàn cầu lại gặp khó
Chuỗi cung ứng toàn cầu lại rơi vào tình trạng căng thẳng trong bối cảnh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thương mại trên biển Đỏ đã khiến lưu lượng vận chuyển container qua khu vực này suy giảm mạnh.
Trang Bloomberg dẫn đánh giá của Cơ quan Tình báo quốc phòng Lầu Năm Góc cho biết, các cuộc tấn công đã ảnh hưởng đến ít nhất 65 quốc gia, buộc ít nhất 29 công ty vận tải và năng lượng phải chuyển sang các tuyến đường thay thế. Theo đó, tàu bè phải tránh tuyến biển Đỏ-Suez, thay vào đó đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, khiến hành trình trên biển của các chuyến hàng phải kéo dài thêm tới 2 tuần. Việc này khiến mỗi hành trình tăng thêm khoảng 20.400km, từ đó tăng chi phí nhiên liệu khoảng 1 triệu USD. Việc giá cước vận tải biển tăng mạnh như vậy khiến khiến lưu lượng vận chuyển container qua biển Đỏ suy giảm đến 90% trong thời gian từ tháng 12-2023 đến tháng 2-2024.
Mối đe dọa từ Houthi tiếp tục làm gia tăng căng thẳng đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu giữa lúc kênh đào Panama ở khu vực Trung Mỹ đang đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng khiến mực nước ở kênh đào này giảm xuống thấp, buộc nhà chức trách phải hạn chế số tàu bè di chuyển qua đây. Mỹ và Anh đã tiến hành nhiều cuộc không kích các cơ sở của Houthi ở Yemen nhằm hạn chế khả năng tấn công tàu thuyền ở biển Đỏ của lực lượng này. Các biện pháp trừng phạt cũng được thực thi nhằm làm suy yếu nguồn lực tài chính của Houthi. Tuy nhiên, lực lượng này không hề nao núng và tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công, khiến tác động kinh tế ngày càng nghiêm trọng.
Lực lượng Houthi bắt đầu phát động các cuộc tấn công vào năm 2023 nhằm gây áp lực lên Israel và các đồng minh của nước này về chiến dịch quân sự ở dải Gaza. Theo The Business Times, ngày 28-6, phòng máy trên tàu chở hàng MV Tutor của Hy Lạp bị ngập nước nghiêm trọng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Houthi. Trước đó một ngày, một tàu chở hàng nhỏ cũng bốc cháy sau khi bị tấn công. Bên cạnh tác động đáng kể vận tải hàng hóa trên biển, căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở biển Đỏ cũng khiến hoạt động cứu trợ quốc tế cho Sudan và Yemen bị chậm trễ trong nhiều tuần do các tàu phải đi đường vòng qua châu Phi.
Theo trang UN News, trong nỗ lực nhằm gia tăng sức ép lên Houthi, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gần đây đã thông qua nghị quyết lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận tải ở biển Đỏ và yêu cầu chấm dứt hành động này. Nghị quyết cũng yêu cầu Houthi lập tức thả tàu Galaxy Leader cùng thủy thủ đoàn bị bắt giữ vào tháng 11-2023.
Giờ đây, dư luận đang lo ngại cuộc leo thang giá cước vận tải biển trong thời gian tới. Các hãng tàu viện dẫn những biến động ngày càng lớn này trong lĩnh vực vận tải biển chính là cái cớ hiển nhiên để họ không ngừng tăng giá cước. Thực tế, vấn đề ở một nơi có thể lan rộng và gây rắc rối ở nhiều nơi khác. Đơn cử, một chuyến tàu chở hóa chất đến muộn có thể gây trì hoãn sản xuất tại các nhà máy đang đợi nguyên liệu là hóa chất đó. Những con tàu chở hàng mắc kẹt ở cảng dẫn tới gián đoạn dòng chảy hàng hóa, gây ứ trệ hàng ở các nhà kho và gây áp lực lên hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ. Theo New York Times, các nhà nhập khẩu phụ thuộc vào vận tải đường biển đang phàn nàn về sự trở lại của “cơn ác mộng” vốn đã đeo bám họ trong thời gian Covid-19: đó là tình trạng các hãng vận tải biển thường xuyên hủy các chuyến hàng đã được đặt trước, đồng thời yêu cầu khách hàng trả các loại phụ phí và phí dịch vụ đặc biệt để chấp nhận cho container lên tàu.
THƯ LÊ