Quốc tế
Đạo luật AI đầu tiên trên thế giới có hiệu lực
Đạo luật kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới có hiệu lực tại Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-8 với kỳ vọng bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo AFP, Đạo luật AI được Ủy ban Châu Âu đề xuất lần đầu vào năm 2020 nhằm đặt ra khuôn khổ quản lý đối với AI trên toàn EU. Nhu cầu thực sự trở nên cấp bách hơn khi ChatGPT bùng nổ vào năm 2022 với khả năng sáng tạo ra văn bản giống con người chỉ trong vòng vài giây. Ngoài ChatGPT, các công cụ AI nổi bật khác có thể kể đến như Dall-E và Midjourney, có thể sáng tạo ra hình ảnh theo nhiều phong cách chỉ với câu lệnh đơn giản là ngôn ngữ hằng ngày. Đầu năm nay, sau các cuộc đàm phán khó khăn và căng thẳng, EU thống nhất thông qua các quy tắc sâu rộng đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt là các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI.
AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Đạo luật AI sẽ dựng lên lá chắn mới không chỉ giúp bảo vệ người dân và lợi ích của họ mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp và nhà đổi mới những quy tắc rõ ràng và chắc chắn. Các công ty bắt đầu phải tuân thủ đạo luật này vào năm 2026 nhưng các quy tắc áp dụng với các mô hình AI như ChatGPT được áp dụng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực. Ngoài ra, các lệnh cấm sử dụng AI để giám sát dựa trên tổng hợp dữ liệu và các hệ thống sử dụng thông tin sinh trắc học để suy đoán chủng tộc, tôn giáo của một cá nhân sẽ được áp dụng 6 tháng sau khi luật có hiệu lực.
Theo Euronews, đạo luật sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn hiện là những nhà xây dựng, phát triển chính các hệ thống AI tiên tiến nhất, nhưng cũng có thể tác động đến doanh nghiệp không phải công ty công nghệ nhưng triển khai hoặc chỉ sử dụng AI trong một số trường hợp nhất định. Đạo luật này áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào có bất kỳ hoạt động tại EU hoặc có tác động đến khối EU. Điều này sẽ khiến các công ty công nghệ lớn bị giám sát chặt chẽ hơn khi hoạt động tại thị trường EU hoặc sử dụng dữ liệu công dân EU. “Phạm vi địa lý của Đạo luật AI rất rộng, vì vậy các tổ chức có bất kỳ mối liên hệ nào với EU trong hoạt động kinh doanh sẽ cần chương trình quản trị AI để xác định và tuân thủ các nghĩa vụ”, ông Marcus Evans, đối tác tại Công ty luật Norton Rose Fulbright, cho biết.
Các công ty vi phạm các quy định về các hành vi bị cấm hoặc nghĩa vụ dữ liệu sẽ phải đối mặt với mức phạt 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu hằng năm. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào hành vi vi phạm và quy mô của công ty bị phạt. Mức phạt này cao hơn so với GDPR, luật bảo mật kỹ thuật số nghiêm ngặt của châu Âu vốn quy định mức phạt lên tới 20 triệu euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu vi phạm.
Theo AFP, tháng 5-2024, EU cũng thành lập “Văn phòng AI” gồm các chuyên gia công nghệ, luật sư và nhà kinh tế nắm rõ luật mới để bảo đảm đạo luật được thực thi hiệu quả. Văn phòng AI hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển, triển khai và sử dụng AI trong tương lai theo cách thúc đẩy đổi mới và lợi ích kinh tế, xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro. “Văn phòng sẽ thúc đẩy hệ sinh thái AI châu Âu có tính đổi mới, cạnh tranh và tôn trọng các quy tắc và giá trị của EU”, Cao ủy về Thị trường nội khối của EU Thierry Breton cho biết.
NGHI VĂN