Quốc tế

EU và ván bài kinh tế 10.000 tỷ euro

09:09, 01/08/2024 (GMT+7)

Từ Hy Lạp đến Đức, các chính phủ châu Âu đang hướng đến ý tưởng liên minh thị trường vốn để thúc đẩy kinh tế. Kế hoạch này mang tính bước ngoặt có thể dẫn đến thay đổi lớn nhưng cũng đầy rủi ro.

Theo Politico, không giống như người Mỹ, người châu Âu không thích rủi ro. Nếu họ biết mạo hiểm, 10.000 tỷ euro đang ứ đọng trong tài khoản ngân hàng - lớn hơn 1/3 quy mô nền kinh tế Mỹ - có thể đã được đầu tư vào thị trường chứng khoán. Điều này sẽ cung cấp cho các công ty nhiều tiền mặt hơn và cho phép chi tiêu cho các dự án vì lợi ích công cộng. Tất cả những điều đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của châu Âu. Đối với các chính phủ, việc phá bỏ các rào cản để cho phép điều đó xảy ra có thể là cơ hội để cứu “lục địa già” khỏi trượt vào vực thẳm tài chính. Đây là một phần của kế hoạch đầy triển vọng mà Liên minh châu Âu (EU) gọi là liên minh thị trường vốn, hướng tới hợp nhất 27 thị trường vốn khác nhau trên toàn EU, tạo điều kiện cho dòng vốn lưu thông tự do hơn, giúp các công ty dễ dàng huy động vốn và cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu.

EU từ lâu rêu rao về thị trường chung của mình, cho rằng con người, hàng hóa và tiền bạc có thể di chuyển khắp khối mà không bị cản trở. Thực tế, EU không thực hiện được điều này, đặc biệt là khi nói đến dòng tiền. Liên minh thị trường vốn là một nỗ lực để hiện thực hóa điều đó. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi kế hoạch này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều người.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói đến kế hoạch này vào đầu năm nay. Còn theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, nhiệm kỳ 5 năm sắp tới của bà là thời điểm đầu tư, bắt đầu bằng việc hoàn thiện liên minh thị trường vốn của EU. Người đứng đầu các tập đoàn chứng khoán châu Âu như Deutsche Borse, Euronext cũng đồng tình khi cho rằng thúc đẩy đầu tư mạo hiểm là cần thiết để châu Âu bắt kịp khoảng cách công nghệ với Mỹ và Trung Quốc.

Không khó để thấy tại sao cần có tầm nhìn táo bạo như vậy. Kinh tế châu Âu đang ngày càng tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc. Ngành công nghiệp đang suy thoái và các công ty khởi nghiệp thiếu tiền, phải thu hẹp quy mô so với các đối thủ ở nước ngoài. Các quy tắc tài chính nghiêm ngặt của EU hạn chế khả năng chi tiêu công cho việc chuyển sang năng lượng xanh và xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng. Vì vậy, khoản tiết kiệm 10.000 tỷ euro của người châu Âu có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Pháp đã đưa ra sáng kiến tạo ra sản phẩm tiết kiệm chung trên toàn EU, thúc đẩy người dân chuyển từ tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp sang cổ phiếu, để giúp các công ty huy động vốn và phát triển.

Châu Âu không thiếu tiền nhưng thị trường vốn phân mảnh khiến các doanh nghiệp tốn kém và gặp khó khăn khi huy động vốn. Về mặt lý tưởng, liên minh thị trường vốn sẽ liên kết 27 thị trường khác nhau hiện có trên khắp EU, cho phép các khoản đầu tư tràn qua biên giới và thu hút thêm vốn từ những người tiết kiệm để giúp tài trợ cho ngành công nghiệp châu Âu và giúp ngành này cạnh tranh với các đối thủ ở nước ngoài. Hiện, khoảng 300 tỷ euro tiền tiết kiệm của châu Âu được đầu tư ra nước ngoài mỗi năm, chủ yếu là ở Mỹ. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc cải thiện thị trường vốn nội bộ để giữ chân các nguồn vốn quý giá này.

Thực tế, ý tưởng liên minh thị trường vốn đi vào thực tiễn không hề dễ dàng. Chuẩn hóa luật phá sản, một phần quan trọng của dự án, hoàn toàn bế tắc. Các ý tưởng về việc thành lập cơ quan giám sát EU duy nhất cho các tổ chức tài chính phi ngân hàng, chẳng hạn sàn giao dịch chứng khoán và công ty quản lý tài sản, cũng gặp phải sự phản đối từ nhiều nước. Ngoài ra, việc cạnh tranh từ khắp châu Âu sẽ khiến nhiều tổ chức tài chính phải đối mặt với rủi ro phá sản hoặc bị mua lại. Một số quốc gia lo ngại rằng các tổ chức tài chính hàng đầu của họ sẽ không thể tồn tại khi tiếp xúc với sự cạnh tranh thực sự.

NGHI VĂN

.