Quốc tế

Vụ tấn công cao nguyên Golan "đổ thêm dầu vào lửa"

08:21, 29/07/2024 (GMT+7)

Vụ cao nguyên Golan do Israel kiểm soát bị tấn công vào ngày 27-7 đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng có thể dẫn đến cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Nhân viên cứu hộ kiểm tra khu vực bị tấn công ở cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters
Nhân viên cứu hộ kiểm tra khu vực bị tấn công ở cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Theo CNN, ít nhất 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, hầu hết là trẻ em, trong vụ tấn công ở Majdal Shams, ngôi làng ở phía bắc cao nguyên Golan. Israel cáo buộc lực lượng Hezbollah ở Lebanon là chủ mưu và gọi đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất vào thường dân Israel kể từ vụ Hamas lần đầu tấn công lãnh thổ Israel vào tháng 10-2023, vụ việc được ví như “giọt nước tràn ly” dẫn đến xung đột Israel - Hamas chưa hồi kết ở dải Gaza.

Xung đột đang đạt đến đỉnh điểm

Theo Reuters, Israel cáo buộc phong trào Hezbollah bắn khoảng 30 quả rocket từ Lebanon vào làng Majdal Shams ở cao nguyên Golan. Trong số các địa điểm bị tấn công có sân bóng đá nơi trẻ em và thanh thiếu niên đang vui chơi. Vụ tấn công đánh dấu bước leo thang lớn sau những tháng bất ổn ở khu vực biên giới Israel- Lebanon.

Ngay sau vụ tấn công, Hezbollah nhanh chóng lên tiếng phủ nhận qua tuyên bố đăng trên Telegram ngày 27-7. Tuyên bố có đoạn: “Phong trào kháng chiến Hồi giáo tại Libanon kiên quyết phủ nhận các cáo buộc do một số cơ quan truyền thông đối phương và nhiều nền tảng truyền thông khác nhau đưa ra liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào Majdal Shams. Chúng tôi không liên quan đến vụ việc và kiên quyết phủ nhận mọi tuyên bố sai sự thật liên quan đến vấn đề này”.

Tuy nhiên, Israel khẳng định có đủ bằng chứng để khẳng định Hezbollah là chủ mưu, dựa trên đánh giá và thông tin tình báo. Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), tên lửa Falaq 1 được phóng vào Majdal Shams từ khu vực nằm ở phía bắc làng Chebaa ở miền nam Lebanon và Hezbollah là lực lượng duy nhất hiện nay có loại tên lửa này trong kho vũ khí của mình. Theo tuyên bố từ IDF ngày 28-7, ngay sau vụ tấn công ở cao nguyên Golan, máy bay chiến đấu của Israel tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah nằm sâu bên trong lãnh thổ Lebanon, gồm các kho vũ khí và cơ sở hạ tầng.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện Israel - Hezbollah

Theo CNN, giới chức Israel cảnh báo đanh thép hơn về viễn cảnh Hezbollah sẽ phải trả giá đắt sau cuộc tấn công. “Hezbollah đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ. Chúng tôi đang phải đối mặt với cuộc chiến tổng lực với nhóm này”, Ngoại trưởng Israel Katz tuyên bố ngày 27-7. Ông Katz không đi sâu chi tiết về đòn đáp trả của Israel nhưng tuyên bố Israel sẽ có sự hậu thuẫn hoàn toàn của đồng minh phương Tây trong cuộc chiến chống lại Hezbollah.

Trưởng ban chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell kêu gọi cuộc điều tra quốc tế độc lập về cuộc tấn công và các bên kiềm chế. Chính phủ Lebanon cũng đề nghị  Hezbollah và Israel chấm dứt ngay lập tức hành động thù địch sau nhiều tháng giao tranh. Trong khi đó, Mỹ, quốc gia dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt xung đột trên khắp biên giới Lebanon-Israel, vẫn tỏ ra thận trọng khi không trực tiếp cáo buộc Hezbollah. Theo AP, các quan chức tình báo Mỹ không nghi ngờ gì về việc Hezbollah có dính líu đến vụ việc này, nhưng không rõ liệu nhóm này cố tình hay bắn nhầm mục tiêu. Tuyên bố từ Nhà Trắng tái khẳng định sự ủng hộ đối với Israel, đồng thời xem nỗ lực chấm dứt xung đột dọc biên giới giữa Lebanon - Israel là ưu tiên hàng đầu. Thực ra, Mỹ cũng lo ngại, nếu không có lệnh ngừng bắn ở Gaza, cuộc chiến giữa Israel và Lebanon có khả năng xảy ra cao hơn; điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và kéo Mỹ vào lún sâu hơn trong các cuộc xung đột ở khu vực “nóng” này.

Hezbollah và Israel giao tranh gần như hằng  ngày kể từ khi xung đột Israel-Hamas ở dải Gaza nổ ra vào tháng 10-2023, khiến hơn 450 người, trong đó có dân thường thiệt mạng. Tần suất giao tranh tăng mạnh trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại rằng “thùng thuốc súng” Trung Đông sẽ phát nổ, đẩy xung đột lan rộng ra khắp khu vực với hậu quả ngoài mức tưởng tượng. Hiện các thành viên cực hữu trong Chính phủ Israel kêu gọi phản ứng gay gắt đối với Hezbollah. Tuy nhiên, cuộc chiến toàn diện với Hezbollah - nhóm chiến binh có hỏa lực vượt trội hơn nhiều so với Hamas - sẽ là thử thách đối với quân đội Israel sau gần 10 tháng chiến đấu ở Gaza. Trong khi đó, Iran liên tục phát cảnh báo hậu quả khôn lường mà Israel phải gánh chịu nếu tiếp tục có bất kỳ “cuộc phiêu lưu mạo hiểm mới” ở Lebanon.

Cao nguyên Golan từng là một phần lãnh thổ của Syria. Năm 1967, Israel chiếm phần lớn diện tích khu vực này trong Chiến tranh Sáu ngày. Đến năm 1981, Israel sáp nhập cao nguyên Golan. Cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không ghi nhận động thái sáp nhập đơn phương này. Trong khi đó, Syria cố gắng giành lại cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1973 nhưng không đạt mục tiêu. Israel và Syria ký hiệp định đình chiến vào năm 1974. Năm 2000, hai nước tổ chức đàm phán cấp cao về khả năng trả lại cao nguyên Golan và thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, đàm phán thất bại và những sự kiện tương tự sau đó cũng vậy. Có khoảng 40.000 người sinh sống tại cao nguyên Golan, trong đó một nửa là người định cư Do Thái gốc Israel,còn lại là người Arab Druze. Hầu hết người Druze tự nhận là người Syria và từ chối nhập quốc tịch Israel.

THƯ LÊ

.