Quốc tế

Cạnh tranh gay gắt hơn trong thương mại toàn cầu

07:45, 05/09/2024 (GMT+7)

Quyết định chuyển trọng tâm của Trung Quốc sang sản xuất nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, khôi phục kinh tế nội địa và củng cố vị thế trên thị trường xuất khẩu toàn cầu khiến các nước, đặc biệt là phương Tây, lo ngại cuộc chiến thương mại mới.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất linh kiện ô-tô ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. (Trung Quốc) Ảnh: China Daily
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất linh kiện ô-tô ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. (Trung Quốc) Ảnh: China Daily

Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất

Theo CNBC, giới chức Trung Quốc tiết lộ họ đặt mục tiêu chi hơn 1 tỷ USD để tăng cường sản xuất và công nghệ trong nước nhằm duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu trong khi ít hỗ trợ mới cho thị trường bất động sản vốn đang gặp khó. Hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống công nghiệp rõ ràng được xếp ưu tiên hàng đầu của nước này trong năm tới, theo sau là hỗ trợ chiến lược tiếp thêm sinh lực cho Trung Quốc thông qua khoa học, giáo dục và hỗ trợ tiêu dùng. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp tăng cường trợ cấp và tín dụng cho các ngành công nghiệp chủ chốt; đồng thời tiếp tục mở rộng sản xuất công nghiệp với tốc độ chưa từng thấy, qua đó giúp nước này duy trì sản lượng công nghiệp cao hơn so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc khi xe điện, pin lithium và tấm pin năng lượng mặt trời được trở thành 3 “mũi nhọn” xuất khẩu mới, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 140 tỷ USD trong năm 2023. Đáng chú ý, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô-tô lớn nhất thế giới khi xe điện của nước này khẳng định chỗ đứng ở thị trường nước ngoài. Nhiều quốc gia chào đón hàng hóa Trung Quốc giá rẻ hơn.

Theo The Wall Street Journal (WSJ), chiến lược của Trung Quốc dựa trên hai nguyên tắc chính. Thứ nhất, muốn xây dựng một chuỗi cung ứng công nghiệp toàn diện để bảo đảm sự ổn định kinh tế trong trường hợp bị Mỹ và các nước phương Tây khác trừng phạt. Thứ hai, phản đối mô hình tiêu dùng theo phong cách Mỹ, mà họ coi là lãng phí và không bền vững.

Asia News Network dẫn lời Ye Dingda, chuyên gia kinh tế trưởng của Liên đoàn Công nghiệp máy móc Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết khi thế giới đang vật lộn với những thách thức như biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm tài nguyên và gián đoạn công nghệ, cam kết của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sản xuất chất lượng cao, bao gồm xe điện, máy công cụ, tấm pin mặt trời, thiết bị lưu trữ năng lượng và tàu thế hệ tiếp theo, không chỉ tái định hình bối cảnh kinh tế của chính nước này mà còn làm cho nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên xanh hơn và đa dạng hơn.

Cuộc chiến thương mại mới?

CNBC dẫn lời Leland Miller, Tổng giám đốc điều hành của China Beige Book, nhận định Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn vào sản xuất, động thái đòi hỏi nước này phải đưa nhiều sản phẩm hơn ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng lành mạnh hơn, chiến lược này vô hình trung có thể gây ra sự cạnh tranh trực tiếp với các nền kinh tế toàn cầu khác. 

Trong khi đó, truyền thông phương Tây, trong đó có WSJ, cho rằng vấn đề ở đây là dù Trung Quốc thừa nhận rằng công suất sản xuất đã dư thừa trong một số ngành nhưng vẫn theo đuổi chính sách mở rộng sản xuất công nghiệp. Theo France 24, công nhân ngành kim loại Mỹ Latinh đang kêu gọi tăng thuế nhập khẩu khi thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập khu vực này, đe dọa hàng trăm nghìn việc làm liên quan đến ngành này. Thực tế, thép Trung Quốc hiện được bán với giá rẻ hơn tới 40% so với giá thép tại khu vực này. Dữ liệu từ Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe năm 2022 cho thấy, Trung Quốc dẫn đầu sản lượng thép toàn cầu với 54%. Khi áp lực gia tăng, các ông chủ nhà máy thép và công nhân ở các quốc gia như Chile và Brazil - nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực - đang gây sức ép với chính phủ để tăng thuế nhập khẩu. Nếu điều này xảy ra, các nước này sẽ “nối gót” Mexico và Mỹ, những quốc gia đã áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Mỹ đã tăng thuế đối với nhiều sản phẩm từ thép đến pin mặt trời của Trung Quốc. Do đó, quan hệ kinh tế phương Tây-Trung Quốc càng thêm “nóng”, đặc biệt khi Bắc Kinh được cho là sẽ “trả đũa” bằng cách hạn chế xuất khẩu các loại nguyên liệu quý mà đối phương đang rất cần cho lĩnh vực sản xuất.

Có thể thấy, trong khi Trung Quốc một mực khẳng định chính sách tập trung sản xuất chất lượng cao và thúc đẩy xuất khẩu giúp củng cố chuỗi cung ứng và công nghiệp của thế giới, một số quốc gia khác lại coi đây là mối đe dọa đối với nền kinh tế của mình. Giới quan sát dự báo, cuộc chiến thương mại mới có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn khi các quốc gia tìm cách bảo vệ nền kinh tế của mình trước sức ép từ sản xuất dư thừa và hàng giá rẻ xuất khẩu của Trung Quốc. Theo Japan Times, căng thẳng chưa được giải quyết vẫn là mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu và sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu nhiều quốc gia và ngành công nghiệp hơn bị kéo vào cuộc cạnh tranh.

THƯ LÊ

.