Quốc tế
Intel trước nguy cơ bị thâu tóm
Truyền thông quốc tế gần đây đưa tin hãng chip Qualcomm muốn mua lại đối thủ Intel. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ công nghệ lớn nhất từ trước đến nay, đánh dấu sự thống trị mới của Qualcomm trong khi Intel “lao dốc” chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm.
The Wall Street Journal (WSJ) cho biết, Giám đốc điều hành Qualcomm Cristiano Amon đích thân tham gia các cuộc đàm phán để mua lại Intel và đang xem xét các lựa chọn khác nhau cho thương vụ này. Đầu tháng 9-2024, một số nguồn tin khác cũng tiết lộ Qualcomm đang đánh giá khả năng mua lại mảng thiết kế của Intel. Qualcomm sản xuất chip được sử dụng trong smartphone, gồm cả iPhone, một thị trường mà Intel bỏ lỡ. Intel chủ yếu bán chip cho PC (máy tính cá nhân) và máy chủ trung tâm dữ liệu.
Intel, tập đoàn từng thống trị ngành chip toàn cầu, giờ lại trở thành đối tượng để các đối thủ thâu tóm khi tụt dốc không phanh trong thời gian gần đây. Theo CNN, tháng 8-2024, cổ phiếu Intel giảm mạnh nhất trong hơn 50 năm, mất gần 30 tỷ USD giá trị thị trường sau khi công bố báo cáo tài chính gây thất vọng và phải tiến hành kế hoạch cắt giảm 15.000 nhân sự.
Nguyên nhân Intel tụt dốc được cho là hãng này đã có các bước đi chiến lược sai lầm trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Hãng này không theo kịp các đối thủ trong cuộc chạy đua về các loại chip bán dẫn tiên tiến.
“Trong 2-3 năm qua, sự chuyển dịch sang AI chính là đòn chí mạng đối với Intel khi không có khả năng đáp ứng nhu cầu mới”, WSJ dẫn nhận định của ông Angelo Zino, chuyên gia phân tích từ CFRA Research (Mỹ). Bên cạnh đó, Intel cũng gây hoài nghi về khả năng phân bổ nguồn vốn đầu tư kinh doanh, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Cụ thể, Intel đã tăng cường đầu tư “khủng” vào các hệ thống sản xuất mới để cung cấp các sản phẩm tiên tiến như chip máy tính xách tay có bộ xử lý AI chuyên dụng nhằm tăng tính cạnh tranh, thậm chí còn mở rộng cả mảng đúc chip. Điều này càng khiến họ thêm “lún sâu” vào cuộc khủng hoảng khi chi phí đầu tư gia tăng giữa lúc doanh thu sa sút, dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng nề. Một số chuyên gia cho rằng, Intel ưu tiên các chiến lược kinh doanh và hiệu suất tài chính hơn là sự đột phá về kỹ thuật, dẫn đến các sản phẩm này không nhận được sự chú ý trên thị trường.
The New York Times ước tính, giá trị vốn hóa thị trường Qualcomm và Intel lần lượt khoảng 188 tỷ USD và 93 tỷ USD. Chính vì thế, nếu Qualcomm thâu tóm Intel thì đây sẽ là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ, vượt qua vụ Microsoft mua lại Activision (trị giá 69 tỷ USD). Nếu vậy, Qualcomm sẽ có thể nắm giữ vị trí thống trị trên thị trường vi xử lý thiết bị di động lẫn máy tính cá nhân, nhất là khi máy tính xách tay đang đứng trước giai đoạn cách mạng.
Tuy nhiên, theo CNBC, thương vụ giữa Qualcomm và Intel sẽ diễn tiến phức tạp khi có khả năng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của luật chống độc quyền và các lo ngại về an ninh quốc gia. Một số người cảnh báo rằng một quá trình mua lại kéo dài có thể khiến các nhà sản xuất chip này của Mỹ tụt hậu so với các đối thủ nước ngoài. Bên cạnh đó, Business Insider dẫn lời Dylan Patel, nhà phân tích chính của hãng Semianalysis, lại cho rằng đây là sự kết hợp khó hiểu giữa hai tập đoàn công nghệ này.
Theo chuyên gia này, nếu Qualcomm và Intel hợp nhất, họ sẽ có nhiều công nghệ hoặc tài sản trí tuệ giống nhau, vì cả hai đều phát triển các công nghệ tương tự. Điều này sẽ tạo ra sự dư thừa không cần thiết nên để tối ưu hóa hiệu quả nên họ phải cắt giảm chi phí, có thể bằng cách giảm nhân sự hoặc thu hẹp các mảng kinh doanh trùng lặp. Hơn nữa, Qualcomm không có khả năng xoay chuyển tình hình kinh doanh trung tâm dữ liệu, vốn là mảng quan trọng nhất. Thậm chí, để hoàn tất vụ M&A này, Qualcomm có thể phải bán bớt tài sản hoặc mảng kinh doanh của Intel cho doanh nghiệp khác.
THƯ LÊ