Quốc tế

Anh nỗ lực xích lại gần EU

07:36, 28/10/2024 (GMT+7)

Hàn gắn quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) để phục hồi tăng trưởng kinh tế và nâng tầm vị thế quốc gia được xem là ưu tiên của chính quyền Thủ tướng Anh Keir Starmer. Đây được xem là bước đi đúng hướng, phản ánh mong muốn của nhiều cử tri nước này bởi xứ sở sương mù vẫn tồn tại mối liên kết khó tách rời EU.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (bên trái) gặp Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, tại Brussels vào đầu tháng 10-2024. Ảnh: AFP/Getty Images
Thủ tướng Anh Keir Starmer (bên trái) gặp Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, tại Brussels vào đầu tháng 10-2024. Ảnh: AFP/Getty Images

Mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng

Kể từ ngày ngồi “ghế nóng” điều hành đất nước, Thủ tướng Starmer đã không lãng phí thời gian để đặt nền móng cho cuộc tái thiết mà ông từng hứa: tái thiết lập quan hệ hữu hảo với các quốc gia EU, đặc biệt hai nước đầu tàu Đức và Pháp với phương châm “làm cho Brexit trở nên hiệu quả”, thay vì đảo ngược tiến trình này.

Tầm nhìn này cũng được hiện thực hóa trong kế hoạch tái xây dựng chiến lược thương mại dài hạn dự kiến công bố đầu năm 2025. Thực tế, 47% trao đổi thương mại của Anh vẫn là với EU. Theo AP, chuyến thăm trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels của ông Starmer vào đầu tháng 10-2024 đánh dấu bước tiến quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche. Tại đây, ông Starmer có cuộc họp song phương đầu tiên với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Mới đây, Chính phủ Anh tiếp tục ghi điểm với thành tựu lớn về đối ngoại đầu tiên trong giai đoạn hậu Brexit, khi hoàn tất thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt với Đức. Thỏa thuận này là bước đi đầu tiên mà Anh hướng tới Hiệp ước an ninh và quốc phòng quy mô lớn với EU.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Douglas Alexander tuần qua cho biết, Anh đang khẩn trương tìm cách thiết lập lại mối quan hệ thương mại với EU và coi thương mại quốc tế là chìa khóa để phục hồi tăng trưởng của nước này bởi Brexit đã gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với thương mại, đòi hỏi nước này phải hiệu chỉnh lại triển vọng toàn cầu của mình. Việc Anh rời khỏi EU khiến nước này phải chi trả lên tới gần 24 tỷ bảng. Ngoài ra, London còn phải trả thêm khoảng 6,4 tỷ bảng để giải quyết các nghĩa vụ tài chính hiện có.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền Thủ tướng Starmer là tìm cách nới lỏng các rào cản thương mại và hạn chế hậu Brexit vốn gây gánh nặng cho doanh nghiệp Anh. Ông Starme cam kết đàm phán thỏa thuận Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật (SPS) mới để cắt giảm các biện pháp kiểm tra và rào cản đối với thương mại nông nghiệp.

Kể từ khi Anh rời EU vào tháng 12-2020, EU áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới toàn diện đối với hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu của Anh, khiến các doanh nghiệp Anh chịu thiệt hại lớn. Do đó, thỏa thuận SPS mới có thể mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên, xoa dịu sự bất bình vẫn đang âm ỉ trong số những người nông dân, đồng thời giảm chi phí mua sắm của người tiêu dùng. Mục tiêu tăng trưởng đang bị chệch hướng khi nền kinh tế Anh tăng trưởng thấp hơn dự báo trong quý 2-2024 khi chỉ ở mức 0,5%, sau khi trải qua cuộc suy thoái ngắn hạn vào nửa cuối năm ngoái.

Yêu cầu có qua có lại

Tuy nhiên, con đường nối lại hợp tác sẽ có nhiều thách thức. Bởi vì cả Anh và EU đều có những mục tiêu khác nhau trong đàm phán. Đề xuất cụ thể nhất từ Anh là Hiệp ước quốc phòng và an ninh sẽ vượt ra ngoài hợp tác quân sự, bao gồm cả nguồn cung cấp năng lượng và chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều đó có ý nghĩa từ góc độ chiến lược và có lợi thế kỹ thuật là khả thi mà không cần sửa đổi Thỏa thuận thương mại và hợp tác Brexit năm 2020 (TCA). Trong khi đó, các yêu cầu của EU bao gồm hiệp ước luân chuyển thanh niên, hợp tác năng lượng và quan trọng là London phải thực hiện đầy đủ các thỏa thuận hậu Brexit hiện có.

The Guardian nhận định, ban điều hành EU tại Brussels (Bỉ) dĩ nhiên đang muốn điều hướng mối quan hệ với Anh theo cơ chế có qua có lại. Trước mắt, Brussels muốn thỏa thuận cho phép công dân Anh và EU từ 18 đến 30 tuổi có quyền sinh sống, học tập và đi lại tại Anh hoặc một quốc gia EU trong thời gian giới hạn. Song, Công đảng cầm quyền ở Anh phản đối các đề xuất này, vì lo ngại nguy cơ trở lại của quyền tự do đi lại xuyên biên giới Anh-EU.

Theo Euronews, thông điệp từ Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vẫn mang giọng điệu quen thuộc: EU muốn Anh phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ Brexit trước khi xem xét cải thiện các điều kiện thương mại, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Brexit, khuôn khổ Windsor và thỏa thuận TCA. Thậm chí, các nước thành viên EU cho biết họ cũng có những ưu tiên khác, như quyền bảo đảm quyền tiếp cận đánh bắt cá dài hạn ở vùng biển Anh và giao dịch năng lượng xuyên kênh dễ dàng hơn.

Đến nay, Thủ tướng Starmer vẫn giữ quan điểm loại trừ khả năng tái gia nhập thị trường chung hoặc liên minh hải quan của EU, hoặc khôi phục quyền tự do đi lại của người dân qua biên giới EU-Anh. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên EU - Anh sau Brexit sẽ được tổ chức vào đầu năm 2025. Giới quan sát nhận định, việc vượt qua các trở ngại hiện hữu để hợp tác chặt chẽ hơn đòi hỏi phải có sự nhất quán trong việc áp dụng ý chí chính trị của hai bên trong bối cảnh hậu Brexit vẫn đầy thách thức.

Từ “Brexit’ đến ‘Bregret”
Phần lớn người Anh coi quyết định rời khỏi EU là một sai lầm. Một cuộc thăm dò của You Gov vào tháng 8-2024 cho thấy, 51% người được hỏi nói rằng những mặt tiêu cực của Brexit (Anh rời mái nhà chung EU) đã lớn hơn những lợi ích; chỉ có 17% nghĩ ngược lại. Xu hướng “Bregret”, cách chơi chữ kết hợp hai từ “British” và “regret” (hối tiếc) đang được báo giới đề cập nhiều gần đây để nói đến tình cảnh nước Anh bây giờ, tiếc nuối vì đã vội vàng rời mái nhà chung này khiến nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức hơn.

THƯ LÊ

.