Quốc tế

Ngõ cụt sau một năm xung đột ở Gaza

08:02, 07/10/2024 (GMT+7)

Tiếp nối cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023, xung đột ở dải Gaza tiếp tục hủy hoại cuộc sống và gây đau thương cho người dân Palestine, và bây giờ lan sang Lebanon. Nguy cơ về cuộc khủng hoảng toàn diện tại Trung Đông vẫn hiện hữu, trong khi các giải pháp và sáng kiến ngoại giao ngày càng mờ nhạt.

Những người ủng hộ Palestine tập trung tại công viên ở Vương quốc Anh ngày 6-10. Ảnh: The Guardian
Những người ủng hộ Palestine tập trung tại công viên ở Vương quốc Anh ngày 6-10. Ảnh: The Guardian

Theo giới chức y tế Gaza, đòn đáp trả của Israel vào Gaza sau sự kiện 7-10-2023 khiến gần 42.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Liên Hợp Quốc (LHQ), lãnh đạo các quốc gia và cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi các bên kiềm chế, tránh “đổ thêm dầu vào lửa” ở Gaza và các khu vực khác ở Trung Đông trước thềm tròn một năm xung đột Israel-Hamas.

Dư luận tiếp tục kêu gọi ngừng bắn

Theo Reuters, ngày 5-10, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực và đổ máu ở Gaza và Lebanon. Trong thông điệp, ông Guterres nhấn mạnh ngày 7-10 là thời điểm để cộng đồng toàn cầu một lần nữa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel và bắt giữ con tin. Ông kêu gọi Hamas trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các con tin, cũng như cho phép nhân viên Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm những người còn đang bị giam giữ. Ông cũng bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột đã lan sang Lebanon, nơi Israel đang đẩy mạnh tấn công Hezbollah. “Đã đến lúc phải im tiếng súng và chấm dứt nỗi thống khổ đang nhấn chìm khu vực này. Đã đến lúc vì hòa bình, luật pháp quốc tế và công lý”, Reuters dẫn lời ông Guterres.

Trong khi đó, theo The Guardian, hàng ngàn người ở khắp nơi trên thế giới xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn kêu gọi chấm dứt giao tranh ở Gaza và các khu vực khác ở Trung Đông, trước thềm tròn một năm xung đột Israel-Hamas. Ngày 5-10, khoảng 40.000 người biểu tình ủng hộ Palestine diễu hành qua trung tâm thủ đô London (Anh), trong khi hàng ngàn người cũng tụ tập tại các thành phố lớn như Paris (Pháp), Rome (Ý), Manila (Philippines), Cape Town (Nam Phi) và New York (Mỹ). Đáng chú ý, các cuộc biểu tình cũng được tổ chức gần Nhà Trắng ở thủ đô Washington, D.C., phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh thân thiết Israel trong các chiến dịch quân sự của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Gaza và Lebanon.

Bất kể nỗ lực kêu gọi “xuống thang” từ dư luận, Gaza vẫn tiếp tục hứng chịu các trận không kích của Israel, trong diễn biến mới nhất, ngày 6-10, CNN đưa tin, Israel không kích đền thờ Hồi giáo khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Triển vọng hòa bình mong manh

Xung đột kéo dài khiến Israel và Hamas, được hỗ trợ bởi các đồng minh tương ứng, nhiều lần thất bại trong việc đạt lệnh ngừng bắn lâu dài. Hy vọng về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột nghiêm trọng này đang dần trở nên xa vời. The Wall Street Journal nhận định, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang cận kề, lúc này dường như chính quyền Tổng thống Joe Biden không còn quá bận tâm cho những gì đang diễn ra ở Trung Đông hiện nay bởi cảm giác bất lực kiềm chế một đồng minh mà mình vẫn tiếp tục ủng hộ về mặt chính trị và cung cấp hỗ trợ quân sự quan trọng như Israel.

Trong khi đó, Israel đang muốn gạt Mỹ sang bên lề với tham vọng tái định hình trật tự ở Trung Đông với các động thái tự quyết ở Gaza, Lebanon và thậm chí mục tiêu sắp tới nhiều khả năng tấn công đáp trả Iran. The Times of Israel ngày 5-10 đưa tin, quân đội Israel đang trong quá trình lên kế hoạch đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel gần đây và cảnh báo đòn đáp trả này sẽ ở mức độ mạnh mẽ. Với bản thân ông Netanyahu, chiến dịch quân sự hiện nay giúp củng cố vận mệnh chính trị của ông.

Nếu Israel chuẩn bị kết thúc các hoạt động quân sự ở Gaza, câu hỏi lớn được đặt ra: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với dải đất này? Theo The Telegraph, trong kế hoạch thí điểm về cách cai quản vùng lãnh thổ này sau khi Hamas bị đánh bại, chính quyền Israel có thể sẽ tạo ra các “hòn đảo” hoặc “bong bóng” địa lý nơi người Palestine không liên quan đến Hamas có thể sống trong nơi trú ẩn tạm thời.

Bên trong những “khu vực nhân đạo” này, người dân Palestine sẽ dần đảm nhận trách nhiệm phân phối viện trợ - một công việc hiện do các nhóm nhân đạo dưới sự giám sát của Hamas đảm nhiệm - trong khi quân đội Israel tiếp tục truy quét những chiến binh Hamas còn sót lại ở những nơi khác tại Gaza. Ở chiều ngược lại, Hamas tuyên bố sẽ chống lại các kế hoạch của Israel và cắt đứt bất kỳ sự chiếm đóng nào đang cố gắng can thiệp vào vận mệnh và tương lai của Palestine.

CNN dẫn lời Thủ tướng Netanyahu cho biết gần một năm sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, đất nước của ông hiện đang chiến đấu tự vệ trên 7 mặt trận, gồm Hezbollah ở phía bắc, Hamas ở Gaza, Houthi ở Yemen, “những kẻ khủng bố” ở Bờ Tây và các lực lượng dân quân Shiite ở Iraq và Syria.

THƯ LÊ

.