Quốc tế

Thương mại hàng hải toàn cầu gặp khó

07:35, 03/10/2024 (GMT+7)

Ngày 2-10, công nhân làm việc tại các cảng biển ở Bờ Đông và Vịnh Mexico của Mỹ tiếp tục đình công ngày thứ hai liên tiếp. Đây là cuộc đình công lớn nhất trong gần 50 năm qua trong lĩnh vực cảng biển của Mỹ, có thể gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm gián đoạn giao thông hàng hải quốc tế.

Theo Reuters, Hiệp hội Công nhân cảng quốc tế (ILA), đại diện cho 45.000 công nhân cảng, phát động cuộc đình công từ ngày 1-10 sau khi các cuộc đàm phán với Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) về hợp đồng 6 năm đổ vỡ. Thời hạn đàm phán đã kết thúc nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung. USMX đề nghị công đoàn tăng lương 50%, nhưng lãnh đạo của ILA Harold Daggett cho biết công đoàn đang thúc đẩy nhiều thỏa thuận hơn, bao gồm việc tăng lương 5 USD/giờ cho mỗi năm của hợp đồng 6 năm mới và chấm dứt các dự án tự động hóa cảng biển, đe dọa đến việc làm của công nhân.

Cuộc đình công lớn đầu tiên của ILA kể từ năm 1977 gây ngưng trệ khoảng một nửa hoạt động vận tải bằng đường biển của Mỹ. Điều này gây lo ngại cho các doanh nghiệp phụ thuộc vận tải biển để xuất khẩu hàng hóa hoặc nhập khẩu nguyên liệu quan trọng. Các cuộc đình công đã ngăn chặn việc vận chuyển mọi hàng hóa từ thực phẩm, hoa quả tươi cho tới ô-tô được vận chuyển qua 36 cảng từ bang Maine đến bang Texas.

Giới phân tích nhận định, cuộc đình công hiện nay làm gián đoạn hoạt động vận tải, logistics, nguy cơ gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi ngày, đồng thời tác động tới nhiều người lao động trong chuỗi cung ứng và xa hơn nữa sẽ kéo theo lạm phát. Các nhà phân tích của JP Morgan ước tính cuộc đình công có thể khiến kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 5 tỷ USD/ ngày. Hàng hóa tiêu dùng có thể sẽ thiếu và giá cả tăng cao hơn.

Các nhà bán lẻ, chiếm khoảng một nửa tổng khối lượng vận chuyển container, phải triển khai kế hoạch dự phòng để giảm thiểu tác động của đình công khi họ bước vào mùa bán hàng lễ hội mùa đông. Liên đoàn Bán lẻ quốc gia của Mỹ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden sử dụng thẩm quyền liên bang để ngăn chặn cuộc đình công bởi nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã gặp cả USMX và ILA để thúc đẩy việc đạt thỏa thuận.

Chính quyền đã gây sức ép lên các chủ sử dụng lao động tại các cảng để bảo đảm thỏa thuận lao động với công nhân bốc xếp đang đình công. “Các hãng vận tải biển nước ngoài đạt lợi nhuận kỷ lục kể từ khi xảy ra đại dịch, trong khi những công nhân bốc xếp bất chấp nguy hiểm để giữ cho các cảng mở cửa. Đã đến lúc những hãng vận tải biển đưa ra hợp đồng mạnh mẽ và công bằng, phản ánh sự đóng góp của công nhân ILA cho nền kinh tế và cho lợi nhuận kỷ lục của họ”.

Theo Bloomberg, các cuộc đình công cũng gây hậu quả đáng kể đối với giao thông hàng hải quốc tế. Công ty tư vấn tàu biển Eesea của Đan Mạch thống kê có 260 tàu container dự kiến đến các cảng bị ảnh hưởng trong 7 ngày tới. Việc ngừng hoạt động dự kiến ảnh hưởng đến tất cả các loại tàu thương mại. Tình trạng ùn tắc tàu dọc theo Bờ Đông nước Mỹ nhiều khả năng xảy ra.

Các công ty hậu cần châu Âu cũng chịu ảnh hưởng. Người phát ngôn của Hapag-Lloyd cho biết, cuộc đình công sẽ có tác động đáng kể đến các dịch vụ cập cảng. Các công ty ô-tô của Đức như Volkswagen, Mercedes và BMW nằm ở phía đông nam nước Mỹ nên bị phụ thuộc vào việc giao hàng đến các cảng địa phương.

Các cảng lớn ở châu Á và Trung Quốc sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động nếu không có thêm tàu từ Mỹ đến. Và khi giao thông bắt đầu trở lại, sẽ xảy ra ùn tắc, từ đó tạo ra sự chậm trễ hơn nữa và giá cước vận tải trên toàn thế giới tăng cao. Ngân hàng HSBC dự báo, ngay cả khi cuộc đình công chỉ kéo dài một tuần, việc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới 1,7% năng lực vận chuyển toàn cầu.

NGHI VĂN

.