Quốc tế
Bệnh đái tháo đường có nguy cơ thành đại dịch thế kỷ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, sau HIV/AIDS, Covid-19..., bệnh đái tháo đường được xem “kẻ giết người thầm lặng”, một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất thế giới hiện nay.
Mới đây, AFP dẫn số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) cho biết, hiện nay trên thế giới có hơn 800 triệu người mắc căn bệnh này. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 ảnh hưởng bệnh nhân từ khi còn trẻ và khó điều trị hơn vì nguyên nhân là do thiếu hụt insulin, trong khi tuýp 2 chủ yếu ảnh hưởng những người trung niên hoặc lớn tuổi, những người mất đi độ nhạy cảm với insulin.
Cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Trong đó, hơn 90% mắc tuýp 2. Gần một nửa số người mắc bệnh vẫn chưa được chẩn đoán do bệnh phát triển thầm lặng, do chủ quan không khám bệnh hoặc không có điều kiện.
Cuộc khảo sát toàn cầu mới đây của IDF cho thấy, có tới 77% người mắc bệnh từng bị lo lắng, trầm cảm hoặc gặp tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Điều đáng quan ngại nhất là sự gia tăng nhanh chóng số người mắc bệnh. Năm 2019, tỷ lệ người mắc bệnh này toàn cầu ước tính 9,3% (463 triệu người), dự báo tăng thêm 10,2% (578 triệu) vào năm 2030, và 10,9% (700 triệu) vào năm 2045. Trong đó, người ở thành thị và người có thu nhập cao có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các nghiên cứu cũng cho biết, tỷ lệ mắc bệnh vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí giảm ở một số quốc gia giàu có hơn như Nhật Bản, Canada hoặc các quốc gia Tây Âu như Pháp và Đan Mạch, nhưng lại gia tăng ở các nước nghèo và có thu nhập thấp và trung bình như Pakistan, Ấn Độ, các nước ở khu vực khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi. Sự gia tăng số người mắc bệnh ở các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ là gánh nặng không chỉ đối với người bệnh mà còn ảnh hưởng nền kinh tế và xã hội của các quốc gia đó do năng suất lao động giảm và việc học tập sinh hoạt bị ảnh hưởng.
Nhà nghiên cứu Majid Ezzati của Đại học Hoàng gia London (Anh) cảnh báo: “Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì những người mắc bệnh này có xu hướng trẻ hóa ở các nước thu nhập thấp và nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, họ có nguy cơ gặp biến chứng suốt đời”.
“Chỉ những người thừa cân mới có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2? Nhận thức sai lầm này khiến những người trông gầy không biết rằng họ cũng có thể dễ mắc bệnh”, Channel News Asia dẫn lời chuyên gia Kyle Tan của NOVI Health cho biết vào ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường (14-11).
Người châu Á có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn mặc dù không bị béo phì. Đơn cử, cứ 3 người Singapore thì có một người có nguy cơ mắc bệnh này. Lý do chính là người châu Á có xu hướng phân bổ mỡ cơ thể khác với người không phải gốc Á. Người trông gầy có thể mang nhiều mỡ nội tạng hơn - loại mỡ tích tụ quanh các cơ quan nội tạng - có hại hơn nhiều so với mỡ dưới da.
Có một vấn đề mà IDF và các nhà nghiên cứu luôn nhấn mạnh: không chỉ người bệnh, mà toàn xã hội cần nhìn nhận đúng đắn về nguyên nhân, mức độ nguy hại, các hậu quả biến chứng do căn bệnh đái tháo đường gây ra và cách ngăn ngừa.
Thực tế, đái tháo đường không phải là căn bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS, Covid-19, và nó có thể gây các biến chứng ở nhiều bộ phận của cơ thể con người, làm tăng nhanh nguy cơ tử vong sớm. Chúng ta có thể ngăn ngừa hiệu quả và phát hiện điều trị bệnh sớm như kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động thể lực, ăn các loại rau quả tốt cho sức khỏe, nói không với thuốc lá, không uống rượu, bia; thường xuyên khám bệnh kiểm tra lượng đường… WHO kêu gọi mọi người bắt đầu lối sống tích cực và lành mạnh để ngăn chặn căn bệnh này trở thành đại dịch của thế kỷ XXI.
LÊ MINH HÙNG