Quốc tế
Các nước đang phát triển trước cơ hội tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon là công cụ hiệu quả để tạo nguồn thu tài chính, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận công nghệ carbon thấp, thực hiện cam kết giảm phát thải toàn cầu. Dẫu đang đứng trước thách thức về khung chính sách, quản lý và vận hành, nhưng nhiều nước đang phát triển, đặc biệt với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, đang đứng trước cơ hội trong thị trường carbon sôi động.
Các dự án trồng rừng như một phần của thị trường carbon hiện có thể được giám sát dễ dàng hơn nhờ vệ tinh. Ảnh: Getty Images |
Theo The Guardian, hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 29) tại Azerbaijan đạt sự vận hành đầy đủ của Điều 6 của Thỏa thuận Paris: mở khóa thị trường carbon quốc tế, giúp phá vỡ thế bế tắc đàm phán đa phương lâu nay. Điều 6 cung cấp thị trường carbon đáng tin cậy và minh bạch cho các quốc gia khi họ hợp tác để đạt được mục tiêu khí hậu của mình. Hợp tác xuyên biên giới dự kiến giúp thị trường tín chỉ carbon toàn cầu do LHQ hậu thuẫn có thể đạt giá trị 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, giúp bù đắp tới 5 tỷ tấn khí thải carbon hằng năm.
Điều này mở đường cho các quốc gia phát triển có lượng phát thải lớn như Đức và Nhật Bản được phép mua tín chỉ carbon giá rẻ từ các chương trình phi carbon hóa ở các nước đang phát triển (các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng nhiệt đới hoặc tái tạo rừng...) để bù đắp cho lượng khí nhà kính mà họ đã thải ra theo cơ chế bù trừ carbon. Đáng chú ý, những nước đang phát triển đang có lợi thế rất lớn với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết net-zero, thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ carbon.
Hiện các quốc gia như Brazil và các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á cũng cung cấp tín chỉ carbon dựa trên thiên nhiên. Theo Reuters, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto có kế hoạch thành lập quỹ kinh tế xanh trị giá 65 tỷ USD vào năm 2028 bằng cách bán tín dụng carbon từ các dự án như bảo tồn rừng nhiệt đới ở nước này. Theo đó, một cơ quan quản lý mới sẽ được thành lập để quản lý quỹ xanh và vận hành các dự án bù đắp lượng carbon, bao gồm việc bảo tồn rừng, trồng lại rừng và phục hồi đất than bùn và rừng ngập mặn, nhằm tạo ra tín chỉ carbon có thể bán trên phạm vi quốc tế. Kế hoạch đầy tham vọng này giúp Indonesia, một trong 10 quốc gia phát thải hàng đầu toàn cầu và là nơi có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 3 thế giới, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Theo AFP, khuôn khổ do LHQ hậu thuẫn cho giao dịch carbon có thể hướng đầu tư vào các quốc gia đang phát triển, nơi tạo ra nhiều khoản tín dụng carbon. Những người ủng hộ cho rằng việc bù trừ carbon, nếu được thực hiện đúng cách, có thể giúp chuyển hướng tiền vào các dự án bảo tồn và phát triển bền vững giúp giảm lượng khí thải, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại thị trường carbon có thể làm giảm động lực đầu tư vào quá trình khử carbon nếu một quốc gia có thể chỉ cần trả tiền cho quốc gia khác để làm việc thay họ. Trong đó, nếu không được quản lý chặt chẽ, cơ chế bù trừ carbon có thể bị lợi dụng như một công cụ “tẩy xanh”, cho phép các công ty tránh cắt giảm lượng khí thải trong khi vẫn có thể tuyên bố rằng họ đang hoặc sẽ trung hòa carbon.
Các nhà đàm phán tại COP 29 vẫn tiếp tục bàn thảo để thống nhất bổ sung thêm các chi tiết về hệ thống song phương đặc biệt, qua đó giúp các quốc gia có thể giao dịch trực tiếp với nhau. Hệ thống này bao gồm các chi tiết như cách thức xây dựng sổ đăng ký theo dõi tín hiệu carbon, lượng thông tin mà các quốc gia chia sẻ về sự đồng tình của mình cũng như phương án giải quyết khi các dự án gặp trục trặc...
Thị trường carbon hoạt động như thế nào? Mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn phát thải CO2 hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2) quy đổi. Trung bình mỗi tín chỉ carbon có biên độ giá dao động rất lớn, từ 10 USD đến gần 100 USD trong dự án giảm phát thải tự nguyện (VER) và hơn 300 USD trong giảm phát thải được chứng nhận (CER). Thị trường tín chỉ carbon vận hành có các bên mua, bán và các tổ chức trung gian. Bên bán, họ có thể là người thực hiện các dự án trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện... Bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là công ty sản xuất thép, hóa chất... Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh. |
THƯ LÊ