Quốc tế
Trung Quốc và Mỹ nêu định hướng quan hệ thời gian đến
Trong cuộc hội đàm kín bên lề Tuần lễ cấp cao diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru ngày 16-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nhận định hai nước cần hướng tới mối quan hệ cạnh tranh nhưng không xung đột.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Peru ngày 16-11. Ảnh: Xinhua/Li Xueren |
Cuộc hội đàm thẳng thắn và mang tính xây dựng, Global Times dẫn lời ông Tập Cận Bình khẳng định, dù quan hệ song phương trải qua nhiều thăng trầm trong nhiệm kỳ của ông Biden, nhưng hai bên đối thoại hiệu quả và duy trì mối quan hệ ổn định, đưa hợp tác song phương trở lại đúng hướng. Thực tế, hơn 20 cơ chế liên lạc được tái khởi động hoặc thiết lập và đạt thành tựu trong các lĩnh vực như ngoại giao, an ninh, kinh tế, thương mại, biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân.
Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cởi mở hợp tác với Nhà Trắng trong nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Với mục tiêu không đổi về mối quan hệ song phương ổn định, lành mạnh và bền vững, Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp chính quyền mới tại Washington để duy trì đối thoại, mở rộng hợp tác và kiểm soát những khác biệt, đồng thời hướng tới quá trình chuyển tiếp vững chắc trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, theo Global Times, ông Tập Cận Bình cũng lưu ý việc xem xét, suy ngẫm sâu sắc những kinh nghiệm trong 4 năm qua và rút ra những bài học đáng giá.
Điều quan trọng trước tiên là phải có nhận thức chiến lược đúng đắn. Không nên để xảy ra chiến tranh lạnh mới bởi không bên nào thắng. Việc kiềm chế Trung Quốc là tính toán không khôn ngoan, không thể chấp nhận và chắc chắn sẽ thất bại. Thứ hai, phải bảo đảm lời nói đi đôi với hành động. Thứ ba, đối xử với nhau một cách bình đẳng. Là hai nước lớn, cả Trung Quốc và Mỹ đều không nên tìm cách “cải tổ” bên còn lại theo ý muốn của mình hoặc tước quyền phát triển hợp pháp của bên kia để duy trì vị thế dẫn đầu của mình. Thứ tư, không được thách thức các “lằn ranh đỏ” và các nguyên tắc tối cao. Mâu thuẫn và khác biệt giữa hai nước lớn là điều không thể tránh khỏi, nhưng một bên không được làm suy yếu lợi ích cốt lõi của bên kia. Nguyên tắc “một Trung Quốc” và ba thông cáo chung Trung-Mỹ là nền tảng chính trị của mối quan hệ song phương và cần phải được tuân thủ. Thứ năm, tăng cường đối thoại và hợp tác khi lợi ích chung giữa hai nước vẫn tiếp tục mở rộng.
Sự hợp tác không chỉ quan trọng đối với kinh tế, thương mại song phương mà còn đối với việc giải quyết các thách thức, điểm nóng toàn cầu. Hai bên nên mở rộng lĩnh vực hợp tác và tạo “miếng bánh” hợp tác lớn hơn để đạt kết quả đôi bên cùng có lợi. Thứ sáu, thúc đẩy lợi ích của nhân dân hai nước và đưa họ xích lại gần nhau hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu nhân dân và văn hóa. Thứ bảy, gánh vác trách nhiệm của các nước lớn đối với tương lai của nhân loại, mang lại lợi ích chung cho thế giới và bảo đảm sự thống nhất toàn cầu thông qua tương tác mang tính xây dựng, không làm tổn hại lẫn nhau và không ép buộc các quốc gia khác phải đứng về bên nào.
Quỹ đạo quan hệ Trung Quốc-Mỹ chứng minh tính hợp lệ của những kinh nghiệm nói trên từ 45 năm quan hệ ngoại giao. Một khi hai nước đối xử với nhau như đối tác và tìm kiếm tiếng nói chung trong khi gác lại những khác biệt, mối quan hệ chắc chắn sẽ đạt tiến triển đáng kể.
Về phần mình, ông Biden nêu những nét phác thảo rộng hơn về hướng đi của mối quan hệ và không chỉ phản ánh trong 4 năm qua mà còn định hướng cho chặng đường dài phía trước. CBS News dẫn lời ông Biden nhấn mạnh: “Hai nước không thể để bất kỳ sự cạnh tranh nào trở thành xung đột. Đó là trách nhiệm của chúng ta, và 4 năm qua đã chứng minh việc có thể duy trì mối quan hệ này.”
Theo góc nhìn của The New York Times, cuộc gặp này dường như muốn nhắn gửi thông điệp rõ ràng đến ông Trump, người nhiều khả năng có cách tiếp cận quyết liệt hơn với Bắc Kinh khi chính thức trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025, trong đó cảnh báo mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến nay, tính toán tăng thuế quan; định hướng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và dấu ấn quân sự mà ông Trump dự định theo đuổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Rõ ràng, cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ vẫn là xu hướng khó có thể đảo ngược trong những năm tới trong nhiệm kỳ của ông Trump và chiều hướng căng thẳng hay hòa dịu giữa hai nước phụ vào nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài ở những thời điểm khác nhau. Điều mà dư luận mong muốn lúc này là hai nước nên tiếp tục tìm kiếm con đường đúng đắn để hòa thuận lâu dài và truyền thêm sự chắc chắn và năng lượng tích cực cho toàn cầu.
Cũng trong cuộc gặp, lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ nhất trí rằng con người, chứ không phải trí tuệ nhân tạo (AI) là bên đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân; đồng thời khẳng định nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy AI vì mục đích tốt đẹp của nhân loại. Đây là lần đầu tiên hai nước đưa ra tuyên bố như vậy. Thông cáo của Nhà Trắng nêu: “Hai lãnh đạo nhấn mạnh phải cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn, cũng như phát triển AI trong quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm.” |
THƯ LÊ