Đà Nẵng cuối tuần

Chủ nghĩa Siêu thực: 100 năm và những giấc mơ

14:29, 16/11/2024 (GMT+7)

Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận người Pháp André Breton công bố Tuyên ngôn Siêu thực vào tháng 10-1924, mở đường cho một trào lưu nghệ thuật có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Bức tranh
Bức tranh "Le Double Secret" của René Magritte được trưng bày trong triển lãm sắp đặt về chủ nghĩa Siêu thực tại Trung tâm Nghệ thuật Bozar ở Brussels. Ảnh: New York Times

Nhân dịp này, Trung tâm Pompidou ở Paris tổ chức triển lãm quy mô lớn về chủ nghĩa siêu thực với hơn 500 hiện vật, tôn vinh một phong trào đã định hình lại cách nhìn nhận về nghệ thuật và thực tại. Triển lãm mở từ ngày 4-9-2024 đến ngày 13-1-2025.

Khởi nguồn từ những giấc mơ

Khi ngồi xuống viết lời tựa cho tập thơ "Poisson Soluble" vào năm 1924, thi sĩ André Breton không hề có ý định viết một bản tuyên ngôn. Theo trang The Art Newspaper, khi đó, ông chỉ muốn nói về những ý tưởng làm nền tảng cho quá trình sáng tác của mình. Thế nhưng, 21 trang viết đó, với những gạch xóa và ghi chú dán kèm, đã trở thành bản tuyên ngôn khai sinh ra một phong trào nghệ thuật đặc biệt mà nhiều người cho rằng nó chưa bao giờ kết thúc.

Bản tuyên ngôn đã đề xuất một phong cách nghệ thuật và văn học mới "tự do, thoát khỏi mọi sự kiểm soát của lý trí, miễn nhiễm với những bận tâm về thẩm mỹ hay đạo đức", theo tạp chí Smithsonian. Ông Breton chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các học thuyết của nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud, đặc biệt là những ý tưởng về tiềm thức, giấc mơ và sự liên tưởng tự do. Ông tin rằng "tương lai sẽ hòa giải được hai trạng thái tưởng chừng đối lập là giấc mơ và thực tại, thành một thứ thực tại tuyệt đối, một siêu thực tại".

Trang The Art Newspaper dẫn chia sẻ của bà Marie Sarré, người phụ trách bộ sưu tập hiện đại tại Trung tâm Pompidou: "Chủ nghĩa siêu thực không phải là một chủ nghĩa hình thức. Nó là một cuộc phiêu lưu tập thể, có thể nói là một triết lý, kéo dài 40 năm nếu quả thật nó đã từng kết thúc. Nó vô cùng sống động, liên tục tự đổi mới".

Triển lãm tại Trung tâm Pompidou được bài trí theo hình xoắn ốc, lấy cảm hứng từ cách nghệ sĩ người Pháp Marcel Duchamp sắp đặt triển lãm quốc tế về chủ nghĩa siêu thực năm 1947 tại phòng triển lãm nghệ thuật nổi tiếng Galerie Maeght ở Paris.

Bản thảo viết tay nguyên bản của Breton, được mượn từ Thư viện Quốc gia Pháp, là tâm điểm của triển lãm. Bà Sarré nhận xét: “Ngay cả với những người am hiểu, những người có thể dễ dàng trích dẫn các bản tuyên ngôn khác như của Chủ nghĩa Tương lai, bản thảo của Breton cũng không thực sự được nhớ đến. Thế nhưng khi bạn lắng nghe nó, những lời ấy thực sự để lại dấu ấn sâu sắc. Bạn nhận ra tính thời sự của nó vẫn còn nguyên vẹn.

Triển lãm được tổ chức thành 13 chủ đề, mỗi chủ đề kết hợp một nguyên lý của chủ nghĩa siêu thực (như chất liệu, sinh vật huyền thoại hoặc nhà thơ) với một phương pháp sáng tạo (như viết tự động, cắt dán hoặc ghép nối). Thay vì sử dụng hướng dẫn âm thanh truyền thống, bảo tàng đã tạo ra một podcast, trong đó các diễn viên đọc các bài thơ và văn bản liên quan.

Bình luận với trang The Art Newspaper, bà Sarré nhấn mạnh tính tiên phong và lập trường chính trị của phong trào siêu thực: "Xét đến việc người ta từng coi nó lỗi thời và bảo thủ trong một thời gian dài, chủ nghĩa siêu thực là một phong trào cực kỳ hiện đại". Phong trào này phản đối các giá trị khai sáng phương Tây, thúc đẩy động lực chống thực dân và kêu gọi tái định nghĩa mối quan hệ của con người với vũ trụ và thiên nhiên - những ý tưởng đi trước thời đại vào những năm 1920.

Triển lãm không chỉ trưng bày các kiệt tác nổi tiếng như "Untitled (Hand Shell)" (1934) của Dora Maar, "Dream Caused by the Flight of a Bee Around a Pomegranate a Second Before Awakening" (1944) của Salvador Dalí, và "Empire of Light" (1954) của René Magritte, mà còn giới thiệu tới công chúng nhiều nghệ sĩ nữ thường bị lãng quên trong lịch sử nghệ thuật. Trong số này có nghệ sĩ đa năng người Anh Edith Rimmington, họa sĩ người Bỉ Suzanne van Damme, nghệ sĩ Tây Ban Nha Remedios Varo và nhà thơ Pháp Gisèle Prassinos.

Gen Z và chủ nghĩa siêu thực

Tinh thần siêu thực vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều hình thức nghệ thuật khác, từ Kịch phi lý cho đến các tiết mục hài kịch kỳ quặc của nhóm hài Monty Python của Anh. Xu hướng siêu thực cũng xuất hiện trong thế giới điện ảnh của David Lynch với những bộ phim như "Eraserhead" và "Mulholland Drive" đào sâu vào những ham muốn tâm lý tình dục đen tối ẩn dưới bề mặt của một thế giới có vẻ yên bình.

Bà Sarré tin rằng thông điệp của chủ nghĩa siêu thực vẫn mang tính thời sự đối với thế hệ trẻ ngày nay. Bà cho rằng thế hệ Gen Z cũng đang mất niềm tin vào ý tưởng về sự tiến bộ và chủ nghĩa hiện đại, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị và sinh thái, phản đối chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa dân tộc - những quan điểm vốn tương đồng với những gì mà các nhà siêu thực đã theo đuổi.

Mark Polizzotti, tác giả cuốn sách "Why Surrealism Matters" (tạm dịch: Tại sao Chủ nghĩa Siêu thực quan trọng) xuất bản tháng 1-2024, mô tả chủ nghĩa siêu thực như một "sự đột phá" và một cách tư duy "liên tục thách thức các mô hình hiện có và tìm kiếm các hình thức mới để duy trì cường độ cảm xúc của nó".

Bà Patricia Allmer, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh), nhấn mạnh rằng tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các nguyên tắc cơ bản đã tạo nên sức mạnh cho chủ nghĩa siêu thực. Bà cho rằng: "Chủ nghĩa siêu thực, ngay từ đầu, đã là một sự đa dạng... Đó là lý do tại sao nó phong phú và dễ uốn nắn đến vậy: Nó có thể được sử dụng bởi các nghệ sĩ khác nhau trong các bối cảnh khác nhau”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.