Quốc tế

Nhiều nước phản đối Israel mở rộng định cư tại Cao nguyên Golan

07:54, 17/12/2024 (GMT+7)

Quyết định mới nhất của Israel về việc mở rộng các khu định cư tại Cao nguyên Golan vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước Arab, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng.

Theo Reuters, ngày 15-12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông qua kế hoạch trị giá khoảng 11 triệu USD với mục tiêu tăng gấp đôi dân số người Israel sinh sống tại Cao nguyên Golan. Đây là kế hoạch then chốt trong chiến lược an ninh quốc gia của Israel, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn gia tăng tại biên giới với Syria.

Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia Arab trong khu vực. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp nào thay đổi hiện trạng pháp lý của Cao nguyên Golan và việc mở rộng khu định cư là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền và an ninh của Syria; đồng thời cảnh báo hành động của Israel có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực. Tương tự, Qatar chỉ trích hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng có hành động can thiệp và tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Cao nguyên Golan là một phần của Syria kể từ năm 1944, khi quốc gia Trung Đông này được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Israel kiểm soát khoảng 2/3 diện tích cao nguyên sau chiến tranh năm 1967 và đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này năm 1981. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết tuyên bố việc sáp nhập này là vô hiệu. Cao nguyên này hiện có khoảng 30.000 người Israel sinh sống.

Liên quan đến tình hình tại Syria, ngày 16-12, Israel tiếp tục tiến hành không kích mục tiêu quân sự ở Syria và viện dẫn đây là hành động bảo vệ biên giới của mình, chứ không nhằm leo thang thành cuộc xung đột toàn diện với Syria. Trong khi đó, chính quyền mới ở Syria nói rằng, Israel đã sử dụng những cái cớ sai trái để biện minh cho các cuộc tấn công này. Tuy nhiên, Syria sẽ tránh tham gia vào các cuộc xung đột mới vì cần tập trung vào việc tái thiết. Nhiều nước vùng Vịnh cũng lên án các cuộc không kích này là tính toán mở rộng sự chiếm đóng của Israel.

T.L

.