Quốc tế

Trung Quốc tăng cường giáo dục AI cho học sinh từ tiểu học

07:32, 17/12/2024 (GMT+7)

Trung Quốc tăng cường giáo dục trí tuệ nhân tạo (AI) cho học sinh từ 6 tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực đổi mới sáng tạo trong tương lai và nâng cao kỹ năng số cũng như khả năng giải quyết vấn đề cho học sinh.

Triển lãm Đổi mới và thực hành AI dành cho thanh - thiếu niên toàn quốc năm 2024, được tổ chức tại Nam Kinh vào tháng 11-2024 giúp hỗ trợ những người trẻ tuổi sử dụng AI để khám phá và giải quyết các vấn đề thực tế. Ảnh: VCG
Triển lãm Đổi mới và thực hành AI dành cho thanh - thiếu niên toàn quốc năm 2024, được tổ chức tại Nam Kinh vào tháng 11-2024 giúp hỗ trợ những người trẻ tuổi sử dụng AI để khám phá và giải quyết các vấn đề thực tế. Ảnh: VCG

Theo Global Times, Bộ Giáo dục Trung Quốc gần đây đã ban hành thông tư mới về tăng cường giáo dục AI tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc. Thông tư nêu rõ các yêu cầu về giáo dục AI ở các giai đoạn khác nhau: trẻ em ở những năm đầu của bậc tiểu học nên tập trung vào việc khám phá và trải nghiệm công nghệ AI; trẻ em tiểu học lớn tuổi hơn và học sinh trung học cơ sở nên tập trung vào việc hiểu và áp dụng các khái niệm AI; học sinh trung học phổ thông nên tham gia vào việc tạo dự án AI và các ứng dụng tiên tiến. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt ra mục tiêu rõ ràng về giáo dục AI trong hệ thống trường tiểu học và trung học.

Cụ thể, Bộ Giáo dục Trung Quốc kêu gọi các trường học thiết lập chương trình giảng dạy AI có hệ thống với các hoạt động giảng dạy và đánh giá thường xuyên. Các trường học được khuyến khích thúc đẩy phương pháp “học tập qua dự án” (Project - Based Learning); tích hợp AI một cách liền mạch vào chương trình giảng dạy về công nghệ thông tin, khoa học và hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thực tế. 

Các chương trình đào tạo phải hướng đến giáo dục đạo đức và bồi dưỡng tài năng sáng tạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm, nuôi dưỡng tư duy phản biện và tinh thần sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, cần chú trọng việc khơi dậy sự quan tâm và hứng thú khám phá khoa học cùng với kỹ năng số trong học sinh.

Các kế hoạch bao gồm thiết lập các cơ sở giáo dục AI theo từng giai đoạn, mở các cơ sở như phòng thí nghiệm và phòng triển lãm tại các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cho học sinh tham quan học tập, tối ưu hóa môi trường giảng dạy kỹ thuật số và thúc đẩy chia sẻ tài nguyên giữa các trường để học sinh có không gian trải nghiệm, khám phá và thực hành AI.

Ngoài ra, ưu tiên đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy mới. Các trường học có đủ nguồn lực được khuyến khích mở rộng đội ngũ giảng viên AI và tuyển dụng các chuyên gia từ các lĩnh vực học thuật và công nghiệp làm giáo viên bán thời gian.

Thông tư nói trên là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm định hướng công nghệ AI theo hướng cách mạng hóa giáo dục. “AI là chìa khóa vàng cho hệ thống giáo dục, ảnh hưởng đến tương lai của giáo dục”, China Daily dẫn lời một lãnh đạo cấp cao của Bộ Giáo dục phát biểu gần đây.

Tháng 2-2024, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố danh sách 184 trường tiểu học và trung học được chọn làm cơ sở giáo dục AI thí điểm. Ở các trường học Trung Quốc với các lớp học thường có sĩ số lớn, một giáo viên phải quản lý hàng chục học sinh. Giờ đây, với sự trợ giúp của các thiết bị kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ AI, giáo viên có thể cung cấp phương pháp giảng dạy có mục tiêu và hỗ trợ cá nhân hóa.

Theo China Daily, ông Cao Peijie, Phó Giám đốc viện nghiên cứu giáo dục kỹ thuật số thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục quốc gia Trung Quốc, nhận định, số hóa giáo dục trường học là cách hiệu quả để thu hẹp khoảng cách giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Trung Quốc cam kết thực hiện chiến lược số hóa quốc gia trong giáo dục, thúc đẩy việc chia sẻ rộng rãi các nguồn lực giáo dục chất lượng cao.

Đơn cử, tại một trường trung học cơ sở thí điểm AI ở Bắc Kinh, mỗi học sinh trong lớp tiếng Anh đều cầm một thiết bị đầu cuối thông minh nhỏ để luyện nói, có thể cung cấp phản hồi phân tích ngữ pháp và phát âm ngay lập tức cho người nói. Hệ thống có thể cung cấp đánh giá giọng nói thông minh, chấm điểm và thu thập dữ liệu, giúp giáo viên nhanh chóng kiểm tra kết quả của từng học sinh. Đây cũng chỉ một trong số nhiều thiết bị và cơ sở vật chất thông minh mà nhà trường đang áp dụng.

Trong khi đó, theo SCMP, hơn 500 trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc đã triển khai chuyên ngành AI kể từ năm 2018, một năm sau khi nước này công bố kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Sự ưu tiên của Trung Quốc đối với AI tăng lên trong bối cảnh cuộc cạnh tranh về công nghệ cao với Mỹ và giữa lúc các chatbot hỗ trợ AI như ChatGPT đã trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày và đạt tính đại chúng.

Theo một cuộc khảo sát do APAC Enterpreuner công bố, Trung Quốc là quốc gia có nhiều người sử dụng AI nhất tại nơi làm việc (75%), tiếp theo là Ấn Độ với 66%. Trung Quốc sử dụng AI trong hầu hết mọi lĩnh vực và một trong những lĩnh vực quan trọng nhất là giáo dục, nơi học sinh được khuyến khích sử dụng công nghệ AI trong lớp học.

THƯ LÊ

.