Đà Nẵng cuối tuần

UNESCO vinh danh rượu sake Nhật Bản

17:28, 14/12/2024 (GMT+7)

Nghệ thuật nấu rượu sake truyền thống của Nhật Bản vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người Nhật mà còn là cơ hội để thế giới hiểu hơn về nét văn hóa độc đáo đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ.

Ông Takehiro Kano, Đại sứ Nhật Bản tại UNESCO, bày tỏ niềm vui sau khi nghệ thuật nấu rượu sake truyền thống của Nhật Bản được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể tại Hội nghị Di sản Thế giới của UNESCO, tổ chức tại Luque, Paraguay, ngày 4-12-2024. Ảnh: AP/Marta Escurra
Ông Takehiro Kano, Đại sứ Nhật Bản tại UNESCO, bày tỏ niềm vui sau khi nghệ thuật nấu rượu sake truyền thống của Nhật Bản được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể tại Hội nghị Di sản Thế giới của UNESCO, tổ chức tại Luque, Paraguay, ngày 4-12-2024. Ảnh: AP/Marta Escurra

Linh hồn văn hóa Nhật Bản

"Sake không chỉ là một loại đồ uống có cồn, mà còn là biểu tượng của văn hóa Nhật Bản", ông Hitoshi Utsunomiya, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất rượu sake và shochu Nhật Bản, chia sẻ với AP. Xuất hiện từ thế kỷ XI trong tiểu thuyết nổi tiếng Truyện Genji của nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu, sake cũng là thức uống được ưa chuộng trong thời kỳ Heian (794-1192). Qua nhiều thế kỷ, sake không chỉ giữ vai trò quan trọng trong ẩm thực mà còn trở thành một phần không thể thiếu của các nghi lễ tôn giáo, lễ cưới và lễ hội địa phương. Tại Nhật, sake được sử dụng để thanh tẩy và ăn mừng, trong khi việc nhấp từng ngụm sake từ chiếc chén nhỏ lại mang ý nghĩa biểu trưng cho sự gắn kết trong hôn nhân.

Kỹ thuật nấu rượu sake là một quá trình phức tạp và tinh tế, đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như tay nghề cao của người làm nghề. Nguyên liệu chính để tạo nên rượu sake gồm gạo, nước, men và koji - một loại nấm mốc đặc biệt có vai trò chuyển hóa tinh bột trong gạo thành đường để lên men. Quá trình sản xuất sake thường kéo dài khoảng hai tháng, bao gồm các công đoạn chính như hấp gạo, trộn koji, lên men và ép rượu. Mỗi giai đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ. Toàn bộ quy trình này được đánh giá là khá vất vả và đòi hỏi sự tận tụy.

Điểm đặc biệt trong kỹ thuật nấu rượu sake chính là quá trình lên men kép song song, nơi tinh bột được chuyển hóa thành đường và đường tiếp tục được chuyển hóa thành cồn, tất cả diễn ra đồng thời trong cùng một thùng ủ. Phương pháp này không chỉ độc đáo mà còn tạo nên hương vị tinh tế và phức hợp đặc trưng của sake. Theo Kyodo News, đây là một kỹ thuật sản xuất đặc biệt, trong đó nhiều giai đoạn lên men được thực hiện đồng thời trong một thùng ủ, thể hiện sự sáng tạo và tinh hoa của nghề nấu rượu sake truyền thống. Gạo được sử dụng để nấu sake bắt buộc phải là gạo Nhật Bản, trong khi chất lượng nước cũng đóng vai trò then chốt trong việc quyết định hương vị đặc trưng của rượu. Nguồn nước ngọt mềm từ các suối tự nhiên mang lại sự tinh tế cho từng giọt sake.

Tại cuộc họp ngày 4-12 ở Luque, Paraguay, Ủy ban bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã bỏ phiếu công nhận 45 tập quán và sản phẩm văn hóa từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm rượu sake của Nhật, phô mai trắng của Brazil, bánh mì sắn từ Caribe và xà phòng dầu ô liu của Palestine. Khác với Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, vốn tập trung vào các địa điểm mang ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại như Kim tự tháp Giza ở Ai Cập, danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể tôn vinh các tập quán và sản phẩm độc đáo của nhiều nền văn hóa trên toàn cầu.

Chiến lược bảo tồn

Mặc dù đã nhận được sự công nhận toàn cầu, ngành công nghiệp sake tại Nhật Bản vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Theo Reuters, thói quen tiêu dùng của giới trẻ Nhật Bản đã thay đổi đáng kể, với xu hướng ưa chuộng các loại rượu vang nhập khẩu, bia và whisky nội địa ngày càng tăng. Điều này dẫn đến sự sụt giảm rõ rệt trong nhu cầu tiêu thụ sake tại thị trường trong nước, ngay cả khi nhu cầu quốc tế đối với loại rượu truyền thống này đang không ngừng gia tăng.

Số lượng thợ nấu rượu truyền thống (toji) đang ngày một giảm sút. Theo số liệu từ Hiệp hội Toji Nhật Bản, số lượng thợ nấu rượu đã giảm mạnh từ 3.683 người vào năm 1965 xuống chỉ còn 712 người vào năm 2022. Ông Tatsuya Ishikawa, 60 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội Toji Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống trên báo Yomiuri Shimbun: "Toàn ngành cần xem xét cách phát triển thế hệ kế thừa”.

Trước những thách thức đặt ra, các nhà sản xuất sake và chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều chiến lược nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nghề nấu rượu truyền thống. Việc sake được UNESCO vinh danh không chỉ là niềm tự hào mà còn mở ra cơ hội khẳng định giá trị văn hóa và kinh tế của loại rượu này. Đại sứ Takehiro Kano chia sẻ với Reuters: "Điều này sẽ giúp tái tạo sự quan tâm đến việc sản xuất sake truyền thống". Ông nhấn mạnh thêm: "Việc được quốc tế công nhận thông qua cơ chế này sẽ khơi dậy sự quan tâm của người Nhật, từ đó tạo động lực mạnh mẽ hơn để để truyền lại các kỹ năng và bí quyết cho thế hệ sau”.

Các hoạt động quảng bá văn hóa sake đang được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các tour du lịch trải nghiệm quy trình nấu sake, lễ hội sake và các chương trình giáo dục về lịch sử cũng như nghệ thuật nấu rượu truyền thống. Bà Marika Tazawa, chủ tịch một công ty du lịch chuyên cung cấp trải nghiệm nấu sake, chia sẻ với Kyodo News: "Đây sẽ là một động lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp. Tôi hy vọng điều này sẽ nâng cao nhận thức và cải thiện vị thế của sake trên cả thị trường nội địa và quốc tế".

TRẦN ĐẮC LUÂN

.