Quốc tế
Tình hình Syria và vai trò của các nước lớn
Việc Tổng thống Assad bị lật đổ kéo theo sự hình thành chính phủ chuyển tiếp. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều này sẽ không giúp chấm dứt tình hình bất ổn ở Syria, mà đẩy nước này bước sang giai đoạn mới, trở thành chiến trường “không tiếng súng”, nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn trong và ngoài khu vực.
Việc thay chế chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu vào ngày 10-12, sau khi ông Mohammed al-Bashir, người từng lãnh đạo chính quyền của nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), thành lập nội các lâm thời. Tuy nhiên, theo RBC, nhà nghiên cứu Ibragim Ibragimov tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng, điều này không có nghĩa tình hình bất ổn ở Syria kết thúc, thay vào đó, bước sang giai đoạn mới, trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn trong và ngoài khu vực.
Đối với Nga, năm 2015, sự can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính quyền Syria đã cứu Tổng thống al-Assad trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Song, giữa lúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vẫn tiếp diễn, vấn đề hiện nay của Nga là thỏa hiệp với chính phủ chuyển tiếp Syria về tương lai của các căn cứ quân sự Nga trên lãnh thổ nước này.
Sự sụp đổ của chính quyền Assad cũng là kịch bản bất lợi với Iran. Từ lâu, Syria vốn được xem là vùng ảnh hưởng mà từ đây Tehran có thể theo đuổi các chính sách chống lại Israel. Iran cũng đã quyết định can thiệp để hỗ trợ cho chính quyền al-Assad và có thể nói là đã đầu tư rất nhiều vào nước cộng hòa Arab này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là quốc gia phản ứng tích cực nhất đối với tình hình ở Syria. Quân đội quốc gia Syria (SNA), vốn được Ankara hậu thuẫn, là một trong những lực lượng chính góp phần lật đổ chính quyền Assad.
Theo tờ Izvestia (Nga), kịch bản ở Syria hiện nay mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Mỹ ở Trung Đông. Từ lâu, Washington luôn xem chính quyền al-Assad là “cái gai trong mắt”. Từ khi xung đột Syria nổ ra, Mỹ duy trì hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và kiểm soát một vùng lãnh thổ ở đông bắc Syria.
Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Israel là nước hoạt động tích cực. Khi nhận thấy rõ rằng quân đội Syria mất khả năng chiến đấu, Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành tấn công từ Cao nguyên Golan và bắt đầu di chuyển nhanh chóng vào sâu trong lãnh thổ Syria. Theo Izvestia, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Trung Đông Dmitry Maryasis nhận định, quân đội Israel tiến vào vùng đệm nhằm giảm thiểu cho đất nước mình những rủi ro tiềm ẩn từ phía Syria. Sau khi phe đối lập có vũ trang giành quyền lực ở Syria, chính phủ mà người Israel có thể đoán trước đã không còn, và các cơ chế, thủ tục để bảo đảm an ninh ở khu vực biên giới với Syria cũng biến mất. Do đó, bằng các hoạt động quân sự, một mặt, Israel tiêu diệt các nhóm phiến quân vốn bị Israel coi là mối đe dọa an ninh; mặt khác, “nắn gân” chính phủ chuyển tiếp Syria về các biện pháp bảo đảm an ninh khu vực biên giới với Israel. Dmitry Maryasis cho rằng, Israel sẽ không vẽ lại biên giới với Syria, mà thay vào đó muốn chính phủ chuyển tiếp Syria có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra một vùng đệm an ninh chiến lược cho Israel ở khu vực biên giới.
Ngày 17-12, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Geir Pedersen cảnh báo cuộc xung đột tại nước này vẫn chưa đến hồi kết khi những cuộc đụng độ giữa các phe phái và sự can thiệp của các nước vẫn đang tiếp diễn. Rõ ràng, từ bài học lịch sử ở Libya và Iraq trước kia, sự sụp đổ của chính quyền Assad, chiến thắng của phe đối lập có vũ trang có thể rất nhanh chóng biến thành cuộc tranh giành quyền lực giữa các đồng minh cũ; trong đó, mỗi lực lượng được hậu thuẫn và đại diện cho lợi ích của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Nguy cơ bất ổn vẫn hiện hữu, thậm chí có xu hướng căng thẳng hơn đối với người Syria trong thời gian tới.
HÙNG LÂM