.

Quốc tế

Vai trò ngày càng quan trọng của ngoại giao khoa học

07:57, 17/03/2025 (GMT+7)

Qua quá trình hoạt động thực tiễn cho thấy, ngoại giao khoa học (Science Diplomacy) xuất hiện và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thế giới đầy biến động do các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch và an ninh năng lượng.

Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh Ngoại giao khoa học thế giới tại Barcelona, Tây Ban Nha năm 2024. Ảnh: Taarifa
Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh Ngoại giao khoa học thế giới tại Barcelona, Tây Ban Nha năm 2024. Ảnh: Taarifa

Báo cáo “Ngoại giao khoa học trong kỷ nguyên đầy biến động” (AFP) do Hiệp hội Phát triển khoa học Mỹ (AAAS) tại Washington D.C và Hiệp hội Hoàng gia London (Anh) công bố gần đây nhấn mạnh sự cần thiết của cách thức tiếp cận mới đối với ngoại giao khoa học. Báo cáo nêu ví dụ của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

Kể từ khi IPCC được thành lập năm 1988, các chính phủ mời các nhà khoa học đánh giá tài liệu nghiên cứu về tình trạng biến đổi khí hậu. Những phát hiện của họ đã góp phần vào các thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý như Thỏa thuận Paris năm 2015, hay Nghị định thư Kyoto năm 1997. Các cuộc họp của IPCC thường xuyên diễn ra căng thẳng vì nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các chính trị gia không can thiệp công việc của các nhà nghiên cứu và họ không được chỉ định những tài liệu nào cần đọc hay phải viết gì trong các đánh giá. Cho đến nay, cơ chế này vẫn được duy trì nhờ sự bảo vệ của các chính phủ đối với tính toàn vẹn của quy trình đánh giá do các nhà khoa học nghiên cứu đúc kết.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo “Khuôn khổ châu Âu về Ngoại giao khoa học”, đã khuyến nghị đưa khoa học vào vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách của EU. Báo cáo nêu rõ: “Hầu như không có diễn biến địa chính trị nào không bị ảnh hưởng bởi nghiên cứu và đổi mới”.

Do đó, các nhà khoa học châu Âu cần đóng vai trò trung tâm thay vì chỉ đứng bên lề trong các chính sách đối ngoại và an ninh, cũng như chính sách nghiên cứu và đổi mới. Điều đó cho thấy khoa học không bị ràng buộc bởi sắc tộc, tôn giáo hay biên giới quốc gia. Các hoạt động ngoại giao khoa học có thể giúp thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia với nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Reuters dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tại hội nghị thượng đỉnh Ngoại giao khoa học thế giới tại Tây Ban Nha năm 2024 với sự có mặt của hơn 1.300 nhà lãnh đạo toàn cầu, nhấn mạnh: “Khoa học ngày nay có mặt ở khắp mọi nơi, từ những gì chúng ta ăn đến những chiếc điện thoại trong túi. Khoa học là động lực phát triển, cần thiết ở mọi nơi, mọi lúc và mọi người đều có quyền được hưởng lợi. Đây là lý do tại sao chúng ta nói về ngoại giao khoa học: khoa học không có biên giới và là công cụ để hiểu biết và hợp tác toàn cầu”.

Trong khi đó, Đại sứ Pakistan tại EU Amna Baloch lưu ý, ngoại giao khoa học đang định hình lại vai trò hành động đối ngoại của các quốc gia, nhấn mạnh vai trò hợp tác với các tác nhân mới như trung tâm nghiên cứu, trường đại học hoặc khu vực tư nhân, trong các lĩnh vực lưu chuyển nhân tài, tính bền vững hoặc cải thiện hệ thống y tế. Công chúa Jordan Sumaya bint Hassan, Chủ tịch Hiệp hội khoa học Hoàng gia Jordan và Đại học Công nghệ Princess Sumaya (PSUT), Đặc phái viên về Khoa học vì hòa bình của UNESCO, cho rằng khoa học có thể đóng một vai trò quan trọng như một không gian để hợp tác và trao đổi liên văn hóa, ngay cả trong các tình huống xung đột hoặc căng thẳng quốc tế cũng như với các quốc gia đại diện cho các hệ thống chính trị và giá trị khác nhau.

Tuy nhiên, hiện nay Mỹ và một số nước lớn khác đang thu hẹp phạm vi hợp tác và gia tăng cạnh tranh. Chẳng hạn, trong những diễn biến gần đây liên quan đến IPCC, Mỹ, một trong những quốc gia tài trợ lớn nhất, dường như đang rút lui khỏi cơ sở hạ tầng khoa học nền tảng của chính sách khí hậu toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử IPCC, Mỹ không cử phái đoàn tham gia cuộc họp quan trọng tại Trung Quốc, nơi thảo luận các chủ đề cho báo cáo đánh giá toàn cầu tiếp theo. Trước đó, Nhà Trắng ban hành một sắc lệnh hủy bỏ tài trợ của Mỹ cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và sắc lệnh khác yêu cầu xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ trong các tổ chức quốc tế.

Tựu trung, ngoại giao khoa học chưa bao giờ quan trọng như hiện nay, trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Nghiên cứu khoa học đã và đang được coi là hình thức sức mạnh mềm, giúp các quốc gia thúc đẩy lợi ích mà không cần sử dụng biện pháp quân sự. Tuy nhiên, điều cần nói là để bảo vệ và không ngừng thúc đẩy ngoại giao khoa học phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích chính đáng cho con người, trước tiên cần phải bảo vệ khoa học, coi đó là nhân tố cốt lõi. Thực tế, quá trình hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm, đánh giá, phân tích để đưa ra một kết quả trên cơ sở khoa học không hề dễ dàng, thậm chí phải đối mặt với nhiều thách thức.

LÊ MINH HÙNG

.