.

Quốc tế

'Khoảnh khắc DeepSeek thứ hai'

07:53, 15/03/2025 (GMT+7)

Không lâu sau khi công ty khởi nghiệp AI DeepSeek gây chấn động với mô hình DeepSeek-R1, cái tên mới đến từ Trung Quốc tiếp tục khiến cả thế giới xôn xao là Manus. Chỉ vài ngày sau khi xuất hiện, hệ thống trí tuệ nhân tạo này làm dấy lên làn sóng hào hứng chưa từng có.

Manus được quảng cáo là “trợ lý ảo AI tổng quát đầu tiên” trên thế giới.  Ảnh: SCMP
Manus được quảng cáo là “trợ lý ảo AI tổng quát đầu tiên” trên thế giới. Ảnh: SCMP

Butterfly Effect, công ty công nghệ mới nổi tại Trung Quốc, đã phát triển mô hình Manus. Dù quy mô chỉ gồm vài chục nhân sự, startup này nhanh chóng trở thành một cái tên đáng chú ý trong làng AI Trung Quốc.

Đột phá mới về AI

Manus đang trở thành hiện tượng AI mới nhất, được nhiều phương tiện truyền thông gọi là “khoảnh khắc DeepSeek thứ hai”, ám chỉ AI này có thể tạo đột phá giống như những gì DeepSeek, startup Trung Quốc gây chấn động vào tháng 1-2025 khi phát hành một mô hình AI cạnh tranh mà họ tuyên bố đã phát triển với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì các đối thủ Mỹ đã chi cho công nghệ của họ.

Trên trang web chính thức của mình manus.im, Butterfly Effect vô cùng tự hào khi giới thiệu rằng Manus không đơn thuần là công cụ tìm kiếm cải tiến khoác lên mình lớp vỏ công nghệ tương lai, mà là “trợ lý ảo AI tổng quát đầu tiên” có thể tự động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp thay vì chỉ đơn thuần tạo ra ý tưởng.

Nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Butterfly Effect, Red Xiao Hong cho biết, Manus “giống con người hơn” so với cách các chatbot khác hoạt động vì tác nhân AI này không chỉ suy nghĩ và trả lời câu hỏi mà còn tương tác với môi trường, thu thập phản hồi và sử dụng phản hồi như một lời nhắc mới. Manus thậm chí còn vượt trội hơn cả mô hình Deep Research của OpenAI dựa trên chuẩn GAIA, thước đo của bên thứ ba về trợ lý AI nói chung.

Theo SCMP, hệ thống này không chỉ hỗ trợ mà còn có thể thay thế con người. Từ phân tích giao dịch tài chính đến sàng lọc ứng viên tuyển dụng, Manus điều hướng thế giới kỹ thuật số mà không cần giám sát, đưa ra quyết định với tốc độ và độ chính xác đến mức ngay cả những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cũng khó có thể theo kịp.

Về bản chất, đây là “bách khoa số” được huấn luyện để quản lý công việc trên nhiều lĩnh vực mà không vướng phải sự do dự hay kém hiệu quả của con người. Điều thú vị ở chỗ Manus có khả năng cung cấp kết quả đầu cuối trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà không cần sự nhắc nhở của con người, hoạt động độc lập, mang đến trải nghiệm liền mạch, tự định hướng trong khi hầu hết các hệ thống AI khác vẫn cần một số mức độ “đầu vào” của con người hoặc hoạt động trong phạm vi hẹp hơn.

Trên trang manus.im, Trưởng bộ phận sản phẩm tại Hugging Face gọi Manus là “công cụ AI ấn tượng nhất” còn nhà nghiên cứu chính sách AI Dean Ball mô tả Manus là “máy tính sử dụng AI tinh vi nhất”. Máy chủ Discord chính thức của Manus đã tăng lên hơn 138.000 thành viên chỉ trong vài ngày và mã mời tham gia Manus được cho là đang bán với giá hàng nghìn USD trên ứng dụng bán lại Xianyu của Trung Quốc.

Còn nhiều vấn đề

Tuy nhiên, không phải ai cũng bị tiềm năng của Manus thuyết phục. Theo TechCrunch, một số thử nghiệm cho thấy AI này có thể không hoàn toàn là một công nghệ mới mà dựa vào kết hợp và tinh chỉnh các mô hình AI có sẵn. Lập luận này làm dấy lên nghi vấn liệu Manus thực sự là đột phá hay chỉ là sự kết hợp khéo léo giữa các công nghệ hiện có. Các bài đánh giá thực tế cũng mang đến một cái nhìn khác về Manus.

Đồng sáng lập startup AI Pleias Alexander Doria cho biết anh đã gặp nhiều lỗi khi thử nghiệm hệ thống này như AI rơi vào vòng lặp vô tận và không thể hoàn thành nhiệm vụ. Một số người dùng trên mạng xã hội X cũng nhận thấy Manus mắc sai lầm khi trả lời các câu hỏi thực tế và đôi khi không trích dẫn nguồn dữ liệu chính xác, dù rất dễ tìm trên internet. Những người khác phàn nàn dịch vụ quá chậm và đôi khi bị treo trước khi hoàn thành nhiệm vụ, có thể do tài nguyên điện toán hạn chế của công ty.

Với thành công của DeepSeek, nhiều người ví Manus là phiên bản tiếp theo của AI Trung Quốc có thể cạnh tranh với phương Tây. Song, theo TechCrunch, so sánh Manus với DeepSeek cũng có phần khập khiễng. Nếu DeepSeek phát triển các mô hình AI từ đầu và công bố mã nguồn mở, công ty đứng sau Manus là Butterfly Effect không hề xây dựng mô hình AI của riêng mình và chưa có kế hoạch mở mã nguồn rộng rãi.

Theo Reuters, ngày 11-3, Manus công bố hợp tác chiến lược với nhóm phát triển các mô hình AI Qwen của tập đoàn công nghệ Alibaba. Điều này có thể sẽ giúp Manus đẩy nhanh việc ra mắt trợ lý AI tổng quát đầu tiên trên thế giới. Việc hợp tác với Qwen có thể giúp Manus AI giải quyết tình trạng quá tải này và mở rộng cơ sở người dùng, đồng thời mang lại lợi thế cho Alibaba trong cuộc cạnh tranh với DeepSeek.

NGHI VĂN

.