Quan sát & Bình luận

Giấc mơ của Bin Laden trỗi dậy ở Trung Đông

08:26, 03/07/2014 (GMT+7)

Sự kiện lực lượng vũ trang Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq và Syria tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo (caliphate) vì cuộc thánh chiến đang thu hút dư luận quốc tế.

Theo thuật ngữ Hồi giáo, caliphate (khalifa) là vua của tất cả người theo đạo Hồi trên thế giới, là truyền nhân của đấng tiên tri Mohammed. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL, còn gọi là ISIS) tuyên bố thủ lĩnh của họ, Abu Bakr al-Baghdadi, là caliph - tức vị vương, đồng thời là giáo chủ nối tiếp truyền thống từ đấng tiên tri Mohammed và là “lãnh đạo của người Hồi giáo trên toàn thế giới”.

Ông Charlie Cooper, nhà nghiên cứu tại Viện William (Anh) chuyên chống lại chủ nghĩa cực đoan nhận định: “Sự kiện tuyên bố thành lập “caliphate” là động thái có ý nghĩa ý thức hệ và tôn giáo lớn”. “Điều ISIS làm đang tạo ra vấn đề hết sức phức tạp về ý thức hệ và tôn giáo, cũng là một thách thức lớn cho Al-Qaeda, và tổ chức này có thể sẽ tìm cách giành lại tính chính danh”. Điều này cho thấy phe thánh chiến Hồi giáo cực đoan rất tự tin sau những chiến thắng quân sự liên tục, kiểm soát phần lớn lãnh thổ miền Bắc Iraq và một phần lãnh thổ Syria láng giềng. Phe này đang mở rộng ảnh hưởng, tập hợp lực lượng, tăng cường các cuộc tấn công vũ trang chống quân đội chính phủ Iraq để chiếm đóng nhiều vùng rộng lớn hơn.

Theo giới phân tích, Abu Bakr al-Baghdadi muốn chứng tỏ đủ sức xây dựng một định chế chính trị cho dự án ý thức hệ, tức là thành lập một nhà nước, trong đó Luật Hồi giáo được áp dụng một cách triệt để. Từ định chế này, nhà nước Hồi giáo sẽ tìm cách thu hút chiến binh từ khắp năm châu. Tuyên cáo của “vua” Abu Bakr al-Baghdadi kêu gọi tín đồ khắp thế giới ủng hộ Nhà nước Hồi giáo, bắt đầu là các thành phần Al-Qaeda phải thần phục quyền lực mới. Chuyên gia Pháp về tình hình Trung Đông Fabrice Balanche nhận định: Qua tuyên cáo lập quốc, xưng vương, Abu Bakr al-Baghdadi chứng tỏ với thế giới Hồi giáo rằng, những người như Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tất cả những ai chống lại thánh chiến là những kẻ phản đạo.

Bên cạnh lý do chính trị và chiến lược, tổ chức thánh chiến cực đoan còn có dụng ý tìm kiếm tài chính, huyết mạch của chiến tranh. Bởi trong thế giới Hồi giáo, nhất là những phần tử cực đoan, không thiếu người muốn tái lập vương quốc caliphate bị giải thể cách nay 100 năm cùng với sự sụp đổ của đế chế Ottoman. Những diễn biến trong cuộc nội chiến ở Syria mấy năm qua, gần đây nhất là quân nổi dậy Sunni ở Iraq chiếm được nhiều vùng và đang muốn mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của mình. Sự lớn mạnh của phe Hồi giáo cực đoan này đang đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của nhiều quốc gia khác ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi như Lebanon, Jordan, Saudi Arabia…

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây chính là “sự quay lại thời “vàng son” mơ ước của những kẻ theo trào lưu Hồi giáo chính thống”. Sau 90 năm, giờ đây một vương quốc Hồi giáo chính thức hình thành bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan Djihad. Đó cũng chính là ước mơ của trùm khủng bố Al-Qaeda Bin Laden. 13 năm sau vụ khủng bố 11-9-2001, “bóng ma” khủng bố của mạng lưới Al-Qaeda đang hiện hữu ở hai quốc gia thuộc khu vực Trung Đông: Syria và Iraq.

Tình thế đó đang có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông rơi vào một cuộc xung đột vũ trang ở dạng thức mới, manh động, tàn bạo và khốc liệt hơn. Đặc biệt, khi ISIS tiến hành áp đặt các luật lệ hà khắc như Taliban từng áp dụng ở Afghanistan lên người dân của mình, thì những vùng đất thuộc nhà nước này kiểm soát sẽ là một thảm họa ghê gớm cho con người. Hơn thế, với ước mơ biến cả thế giới này thành thế giới lệ thuộc của ISIS, các cuộc xung đột vũ trang có nguy cơ lan rộng không chỉ Trung Đông, hay Bắc Phi mà còn nhiều khu vực khác.  Nói cách khác, khi ISIS ra đời, nhân loại lại chứng kiến một kỷ nguyên thánh chiến mới đầy máu và nước mắt, mà nỗi thống khổ lại đổ lên đầu những người dân lương thiện.

TUYẾT MINH
 

 

.