Quan sát & Bình luận

Bài toán khó cho ông Obama

07:57, 03/02/2015 (GMT+7)

Mỹ và các đồng minh đang tiến hành các cuộc không kích dữ dội để hỗ trợ các lực lượng chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria giành lại thế chủ động trên chiến trường, chiếm lại các vùng lãnh thổ do nhóm chiến binh này kiểm soát. Ngoài ra, Mỹ đã gửi quân đến Iraq với tư cách cố vấn quân sự để chống IS. Tính đến ngày 9-11-2014, Mỹ đã triển khai thêm 1.500 binh sĩ nhằm hỗ trợ Iraq chống IS.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống IS ngày càng cam go, phức tạp, nhất là thời gian gần đây xảy ra các vụ hành quyết con tin.

Trong đoạn audio 42 phút được tải lên mạng Internet, phát ngôn viên của IS Shaykh Abu Muhammad al-Adnani giễu cợt các cuộc không kích gần đây của Mỹ cũng như động thái của nước này trong việc xây dựng một liên minh quốc tế đối đầu với IS. Tiến sĩ Peter Neuman, Giám đốc Trung tâm quốc tế nghiên cứu cực đoan hóa có trụ sở ở London (Anh) bình luận: “Bọn chúng đang cố tình khiêu khích phương Tây”.

Ông Neuman nói: “Các đoạn video hành quyết là mồi nhử khiêu khích phía Mỹ phản ứng quá mức. Ngay khi phương Tây đổ quân lên lãnh thổ Syria và Iraq, sẽ lặp lại câu chuyện quen thuộc về phương Tây chống lại đạo Hồi. Khi ấy, chúng sẽ tuyên bố đang chiến đấu chống lại những kẻ chiếm đóng”.

Tuy nhiên, sức nóng chống IS ngày càng làm nhiều chính khách Mỹ lo lắng. Phát biểu trong chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS ngày 1-2, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng, các cuộc không kích của liên minh do Mỹ cầm đầu chỉ có thể đẩy lùi các cuộc tấn công, chứ không tiêu diệt được tận gốc IS ở Iraq và Syria.

Vì vậy, Mỹ cần triển khai ít nhất 10.000 lính bộ binh ở cả Iraq lẫn Syria, phối hợp với lực lượng bộ binh các đồng minh Arab thì mới có thể đánh bại được IS. Ông Graham cũng lên tiếng chỉ trích chính sách “sử dụng vũ lực nửa vời” hiện nay của chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng Iraq và Syria có nguy cơ trở thành thánh địa, bàn đạp để các lực lượng khủng bố tiến hành các cuộc tấn công như vụ 11-9-2001 vào lãnh thổ Mỹ.

Cũng theo Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, vụ tấn công khủng bố hồi tháng trước tại thủ đô Paris (Pháp) là hồi chuông báo động nguy cơ các tay súng nước ngoài tham chiến tại Iraq và Syria tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ và châu Âu. Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker, người đang cân nhắc việc ra tranh cử Tổng thống năm 2016, cũng cho rằng Mỹ cần chuẩn bị sẵn phương án triển khai lính bộ binh chống IS.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey, cần thiết có các quyết sách liên quan tới chính trị cũng như gửi quân đến Syria và Iraq. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin cho rằng, sẽ là sai lầm nếu nước Mỹ điều động lính bộ binh và sa lầy vào cuộc nội chiến Syria. Theo ông, phương án tốt nhất hiện nay là củng cố liên minh với các lực lượng bản xứ Arab để mang lại ổn định cho khu vực Trung Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CBS hồi tháng 11-2014, khi được hỏi Mỹ có đổ thêm quân vào cuộc chiến chống IS, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trả lời: “Là một tổng tư lệnh, tôi sẽ không bao giờ nói không bao giờ”.

Theo kết quả thăm dò mới nhất của tổ chức Pew, hiện có 55% số người Mỹ được hỏi bày tỏ phản đối triển khai bộ binh chống IS. Song, có tới 57% số cử tri của đảng Cộng hòa ủng hộ việc làm này.

Rõ ràng diễn biến phức tạp của tình hình thực tế trên chiến trường và những đòi hỏi của các chính khách cũng như dư luận Mỹ trong cuộc chiến chống IS đặt ra bài toán khó cho Tổng thống Obama, liệu có đưa bộ binh sang Iraq và Syria tham chiến trực tiếp để chống IS hay không?

T.M

.