Quan sát & Bình luận

Tìm lối thoát cho sự khác biệt

07:24, 01/10/2015 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã làm quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu trở nên “giá băng” hơn một năm qua. Không chỉ dừng lại ở đó, vấn đề Trung Đông, nhất là cuộc nội chiến ở Syria và sự phát triển của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã làm quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng hơn bao giờ hết.

Có một điều dư luận thấy rất rõ là kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, tuy quan hệ giữa Nga với phương Tây căng thẳng nhưng không dễ dẫn đến cuộc đối đầu nguy hiểm, các bên có liên quan cố gắng tìm lối thoát cho sự khác biệt. Cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ và Nga bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ là một ví dụ cụ thể.

Trước khi bước vào hội đàm, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Barack Obama cùng xuất hiện trước báo giới. Song, cả hai nhà lãnh đạo chỉ bắt tay nhau, không trả lời các câu hỏi của phóng viên. Kết thúc cuộc hội đàm, hai bên không ra tuyên bố chung, chỉ tổ chức họp báo để thông báo kết quả với báo chí.

Tổng thống Putin cho biết, ông và ông Obama đã thảo luận về tình hình Ukraine và Trung Đông; hai bên đã có nhiều quan điểm tương đồng về các vấn đề này.

Theo Tổng thống Putin, hai bên nhất trí quan điểm cần tăng cường các nỗ lực chung, trong đó có hợp tác song phương giữa Nga và Mỹ, đồng thời thiết lập cơ chế cho sự phối hợp này. Nhà lãnh đạo Nga cũng đánh giá cuộc hội đàm rất cởi mở và hai bên có thể hợp tác cùng giải quyết các vấn đề chung, dù còn những bất đồng.

Trước đó ít giờ, Tổng thống Putin và Tổng thống Obama đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Hai bên đã thể hiện quan điểm khác nhau về vấn đề Syria. Trong khi ông Obama kêu gọi thúc đẩy “một tiến trình chuyển tiếp có kiểm soát” tại Syria không có Tổng thống Bashar Al-Assad tham gia, thì ông Putin nhấn mạnh sẽ là một sai lầm lớn nếu từ chối hợp tác với chính phủ Syria và lực lượng vũ trang của nước này.

Ông Putin cũng nhấn mạnh, chỉ có người dân Syria, chứ không phải Tổng thống Mỹ hay Pháp, có quyền quyết định số phận của Tổng thống Al-Assad. Nhà lãnh đạo Nga cũng không loại trừ bất cứ trường hợp nào liên quan tới việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay, cũng như không bác bỏ khả năng tham gia các cuộc không kích chung nhằm vào các mục tiêu của IS. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định, Nga sẽ không bao giờ tham gia các chiến dịch quân sự trên bộ chống lại IS trên lãnh thổ Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có kế hoạch gặp lại người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong ngày 30-9. Đáng chú ý, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC ở New York, ông Kerry khẳng định: “Hai bên đã đạt được thỏa thuận rằng, Syria phải là một quốc gia thế tục, thống nhất và đoàn kết; nhóm IS cần bị loại bỏ; và cần có một giai đoạn chuyển tiếp được giám sát (ở Syria)”. Ông lưu ý thêm, cả Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Putin đều “đang tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Syria”.

Bình luận về sự kiện này, tờ Le Figaro (Pháp) nhắc lại: Khi bước vào Nhà Trắng năm 2009, Barack Obama đã chủ trương “reset” (khởi động lại) quan hệ với Nga và đó cũng là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông. Nhưng việc “khởi động lại” này đã vỡ tan sau nhiều sự cố: từ các mùa xuân Arab đến việc Nga cho cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden trú ngụ, rồi chiến tranh Syria, cuộc khủng hoảng ở Ukraine... Giờ đây, các màn múa may ngoại giao xung quanh hồ sơ Syria, mà biểu tượng là cuộc gặp Obama - Putin ở New York, phải chăng là dự báo của một cú “reset” mới giữa Mỹ và Nga?

Theo phân tích của Le Figaro, ông Obama không còn cách lựa chọn nào khác: hoặc dấn thân hơn nữa vào Syria, điều mà ông không muốn; hoặc làm việc với nước Nga của ông Putin.

Sự đối thoại giữa Nga - Mỹ để hướng tới xây dựng mối quan hệ bình đẳng, hợp tác nhằm hóa giải những bất đồng hai nước và tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế sẽ có lợi không chỉ cho các bên có liên quan mà cho cả hòa bình, an ninh quốc tế.

TUYẾT MINH

.