Quan sát & Bình luận
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rằng, Nga sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang nhưng sẽ điều chỉnh các kế hoạch hiện đại hóa quân đội để vô hiệu hóa những mối đe dọa đối với an ninh của đất nước… được cho là thông điệp về cái giá phải trả cho việc gia tăng căng thẳng, khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bố trí lá chắn tên lửa ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga.
Việc Mỹ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa ở căn cứ không quân ở Deveselu, miền nam Romania, đang làm dấy lên căng thẳng giữa Mátxcơva với Washington và NATO. Không những thế, Washington cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan, hoạt động vào năm 2018 nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Những kế hoạch liên tiếp như thế đang làm Nga… nóng mặt, thậm chí nổi giận. Nga cho rằng, động thái này nhằm hủy hoại sự cân bằng chiến lược ở châu Âu, mặc dù Mỹ khẳng định lá chắn tên lửa chỉ trực tiếp chống lại mối đe dọa của những tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ “những quốc gia hiếu chiến” như Iran, tức là không có ý định nhằm vô hiệu hóa tên lửa của Mátxcơva.
Thực ra, không phải bây giờ hệ thống phòng thủ của Mỹ và NATO ở Đông Âu mới được biết đến. Hệ thống này được Mỹ khởi xướng từ thời Tổng thống Ronald Reagan chủ yếu nhằm chống lại Liên Xô. Kế hoạch bị gián đoạn và được nối lại dưới thời Tổng thống G.W.Bush nhằm chống lại nguy cơ tấn công từ Iran.
Sau đó, dự án được triển khai trở lại vào năm 2010, chủ yếu sử dụng công nghệ Mỹ, bao gồm việc triển khai các tên lửa đánh chặn và radar ở đông Âu cùng Thổ Nhĩ Kỳ. Deveselu là một phần trong giai đoạn hai của dự án sau khi triển khai radar tại Thổ và 4 tàu chiến Aegis với khả năng phòng vệ tên lửa tại cảng Rota của Tây Ban Nha. Giai đoạn ba là dự án ở Ba Lan.
Tất nhiên chưa khi nào Nga đồng ý về sự hiện diện của một lá chắn tên lửa như thế ở Đông Âu. Và giờ đây, Điện Kremlin cũng phản ứng quyết liệt bởi chương trình tên lửa của Iran không đe dọa các nước thành viên NATO ở châu Âu thì rõ ràng lá chắn của Mỹ nhằm vào Nga.
Tổng thống Putin đã có hàng loạt cuộc họp với giới chức an ninh, kỹ thuật quân sự để bàn thảo giải pháp tăng cường sức mạnh phòng thủ của Nga. Điều này khiến giới quan chức lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang, hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới có thể xảy ra với hai nhân vật chính là Nga và Mỹ.
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO hiện càng thêm căng thẳng. Điện Kremlin cảnh báo mối quan hệ này sẽ chỉ tồi tệ hơn nữa. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại NATO, Alexander Grushko, cho biết ông không hề bị thuyết phục bởi tuyên bố của khối quân sự này rằng hệ thống chống tên lửa của Mỹ không nhằm vào Nga.
Việc Điện Kremlin lo lắng cũng dễ hiểu bởi NATO đang tăng cường vũ trang ở châu Âu và làm thay đổi cân bằng chiến lược với Mátxcơva. Để đối phó với dự án đồ sộ của Mỹ và NATO, dù không hề muốn nhưng Nga sẽ khó tránh một cuộc chạy đua vũ trang. Tính toán lại toàn bộ việc bố trí chiến lược, tăng ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vũ khí mới… là những điều cấp thiết mà Mátxcơva phải làm.
VĨNH AN