Quan sát & Bình luận
Trước ngày PCA ra phán quyết
Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Haye (PCA) sẽ ra phán quyết cuối cùng vào những ngày sắp đến về vụ kiện của Philippines về đường lưỡi bò Trung Quốc đòi hỏi vô lý ở Biển Đông. Đây là vụ kiện được cả thế giới quan tâm, nhất là các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương vì liên quan đến vùng biển có đường vận tải hàng hải và hàng không quan trọng của thế giới.
Ngay từ đầu khi Philippines khởi kiện, Trung Quốc đã phản đối quyết liệt vì cho rằng, PCA không đủ thẩm quyền xét xử và vấn đề mà Bắc Kinh “gọi là tranh chấp đó” chỉ được giải quyết song phương không quốc tế hóa. Vì thế, dù đã ký Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển nhưng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ không tuân thủ quyết định của PCA.
Qua quá trình tố tụng tại PCA, khả năng Trung Quốc thất thế đang hiện hữu, nên trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã mở một mặt trận ngoại giao nhằm "chiêu mộ" các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông. Hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã liên tiếp thuyết phục các nước lớn nhỏ, từ Nga, Ba Lan ở châu Âu, cho đến Gambia ở châu Phi, để các nước này ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, theo đó PCA không có thẩm quyền phán xử về Biển Đông, các tranh chấp nên được giải quyết song phương giữa các nước có liên quan. Bloomberg còn ghi nhận: Thậm chí, Trung Quốc còn bỏ công lấy lòng một đảo quốc tí hon ở miền nam Thái Bình Dương là Fiji để nước này ủng hộ lập trường của Bắc Kinh.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ vừa lên tiếng yêu cầu Washington không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh đồng thời khẳng định: Bãi ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) không phải của Philippines.
Ngược lại với những toan tính của Trung Quốc, nhiều quốc gia đã bày tỏ thái độ tôn trọng phán quyết của PCA, điều sẽ làm Trung Quốc nổi giận. Đặc biệt là Mỹ, nước không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào ở Biển Đông, cũng không ngừng vận động các nước khác thể hiện rõ quan điểm ủng hộ phán quyết sắp tới của PCA, đồng thời lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN hồi đầu năm 2016, chính Tổng thống Barack Obama đã cố gắng thuyết phục các đối tác Đông Nam Á về nhu cầu có lập trường thống nhất, công khai ủng hộ phán quyết của PCA. Ngoài ra, Mỹ đã không chấp nhận bản đồ hình lưỡi bò cũng như tuyên bố chủ quyền đến các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, nên đã cho tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trên vùng biển này. Trong đó, chiến dịch tuần tra mới nhất mà chiến hạm USS William P. Lawrence tiến hành vào ngày 10-5 trong khu vực đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng chiếm) đã được Lầu Năm Góc xác nhận là sự khẳng định mạnh mẽ quyền tự do hàng hải, nhằm phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một động thái khác, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra cuối tháng 6 tới ở Nhật Bản, chắc chắn ông Obama cũng sẽ tìm kiếm hậu thuẫn của các cường quốc công nghiệp phát triển trong vấn đề này.
Còn Nhật Bản, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G7, không những lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mà còn kêu gọi lập mặt trận quốc tế thông nhất chống Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ngoài nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng nhấn mạnh nhu cầu tôn trọng phán quyết của PCA về Biển Đông cũng như sự tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này.
Theo các nhà quan sát, nhìn chung, trong cuộc đua tìm sự hậu thuẫn, Mỹ đang thắng vì được sự ủng hộ của rất nhiều nước, chủ yếu là các nước lớn.
Những diễn biến trên cho thấy, trước khi PCA ra phán quyết, các bên liên quan đang nỗ lực để tìm kiếm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế nhằm tạo lợi thế cho quá trình giải quyết tranh chấp. Nhưng một khi PCA ra phán quyết gây bất lợi cho Trung Quốc thì họ sẽ không những phản ứng mà còn không chấp nhận. Điều đó sẽ phơi bày những mưu toan độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và lộ rõ là một thành viên vô trách nhiệm của LHQ khi coi thường luật pháp và Công ước quốc tế.
TUYẾT MINH