Quan sát & Bình luận

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Donald Trump

09:13, 09/02/2017 (GMT+7)

Với hơn 10 đầu việc Tổng thống Donald Trump thực hiện khi bước vào Nhà Trắng đến nay đã xới tung hàng loạt vấn đề liên quan không chỉ ở Mỹ mà tác động đến nhiều quốc gia, khu vực, thậm chí làm rúng động toàn cầu, như sắc lệnh cấm nhập cảnh. Trong đó, tại châu Á, quan hệ Mỹ - Trung Quốc trở thành đề tài nóng kể từ khi ông Trump bắt đầu cuộc chạy đua chức tổng thống đến nay.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc dưới thời ông Trump nổi lên 4 điểm chính sau đây:

Một là thương mại. Hồi tháng 11-2016, ông Trump gay gắt chỉ trích chính sách tiền tệ và tình trạng “ăn cắp bản quyền”, bán phá giá, “lấy đi việc làm của người Mỹ”. Thậm chí, ông tuyên bố sẽ có thái độ cứng rắn với quốc gia mà ông gọi là “nước Trung Quốc xấu xa” (?!). Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Trump bổ nhiệm tỷ phú Wilbur Ross (79 tuổi), tác giả cuốn sách nổi tiếng “Chết dưới bàn tay Trung Quốc” làm Bộ trưởng Thương mại.

Điều đó cho thấy, quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn ra khốc liệt, vì Mỹ muốn lấy lại thế thượng phong về kinh tế, đưa việc làm trở lại và ngăn chặn sự thao túng của Trung Quốc trên lĩnh vực này.
Tân Tổng thống Mỹ cũng hứa sẽ đánh thuế 45% vào hàng Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ và khuyến khích các công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất về cường quốc hàng đầu thế giới này. Theo AP, những biện pháp nói trên có thể sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nước láng giềng.

Tuy nhiên, khi ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo ra lợi thế cho Trung Quốc tăng cường vị thế của mình ở khu vực với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP), thì mục tiêu của Nhà Trắng có đạt được hay không là câu chuyện còn ở phía trước. Nhưng rõ ràng vấn đề thương mại Mỹ - Trung sẽ là bài toán khó cho cả hai bên và “chiến tranh thương mại” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hai là, vấn đề Đài Loan. Ông Trump đang úp mở cho thấy ông không đi theo chính sách chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là điều mà Bắc Kinh không hề chấp nhận, xem đó như hành động “gây hấn” và sẽ làm quan hệ Mỹ - Trung trở nên “băng giá”. Một dấu hiệu xuất hiện mới đây là chuyến thăm Bắc Mỹ của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh ở Mỹ mà không bị từ chối theo yêu cầu của Trung Quốc.

Ba là, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa, hạt nhân và tiếp tục đưa ra các mối đe dọa không chỉ với các nước láng giềng mà ngay cả với Mỹ. Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời ông Trump cho thấy không chấp nhận CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và quyết bảo vệ các đồng minh của mình như Hàn Quốc, Nhật Bản trước mối đe dọa của Bình Nhưỡng. Mỹ cũng tuyên bố sẽ có những hành động đáp trả thích đáng. Đi liền với sự cảnh báo này, Mỹ đổ lỗi trách nhiệm cho Trung Quốc đã không kiềm hãm Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Sự chỉ trích này của Mỹ làm Bắc Kinh bực tức.

Bốn là vấn đề Biển Đông. Đây là nút thắt trong chính sách ngoại giao của chính phủ Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên đài truyền hình và trên mạng xã hội Twitter, tân Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và Mỹ không chấp nhận như vậy.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố, chính phủ Trump sẽ “bảo vệ các lợi ích quốc tế” ở vùng Biển Đông đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc với các nuớc láng giềng. Các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc cũng cảnh báo “bão tố đang hình thành” ở Biển Đông. Họ cho rằng, những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, cộng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh ở nước này, khiến Mỹ và Trung Quốc đang “trên đường nguy hiểm đi đến xung đột”. Tuần trước, cố vấn chiến lược của Tổng thống Trump, Steve Bannon, dự báo chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông là “không thể tránh khỏi” trong vòng từ 5-10 năm tới.

Ê-kíp của ông Trump từng chỉ trích sự “yếu kém” của chính phủ Barack Obama ở châu Á - Thái Bình Dương và đã yêu cầu gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng này, theo chiến lược “đạt đến hòa bình bằng sức mạnh” nhằm chống lại Trung Quốc. Ông Trump đã chỉ thị xây dựng sức mạnh quân đội Mỹ như gia tăng chi phí quốc phòng, đóng mới hàng chục tàu chiến, tàu ngầm, tăng cường các loại vũ khí hiện đại...

Những diễn biến trên cho thấy, quan hệ Mỹ - Trung, hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này có thể xấu đi nhanh chóng và biến thành xung đột kinh tế, thậm chí xung đột quân sự, nếu hai bên không tìm được thỏa hiệp trên các vấn đề như thương mại, Đài Loan, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong khuôn khổ chuyến thăm Úc ngày 8-2 đã nói rằng, một cuộc chiến nổ ra giữa nước này và Mỹ thì “cả hai bên đều sẽ thua” (?!).

TUYẾT MINH

.