Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguyên nhân từ đâu?

Ngày 6-7 vừa qua, Mỹ - Trung tuyên chiến về thương mại khi cả hai cùng tuyên bố bắt đầu áp thuế hàng hóa lẫn nhau trị giá khoảng 34 tỷ USD. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, áp mức thuế quan mới lên các mặt hàng của Trung Quốc nghĩa là Mỹ “nổ súng” vào cả thế giới (?!). Nhưng quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Tổng thống Donald Trump từ khẩu hiệu vận động tranh cử cho đến khi tiếp quản Nhà Trắng đến nay là: Nước Mỹ trên hết!

Vì vậy, nhìn vào các chính sách cũng như hành động cụ thể trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và cả quân sự cho thấy, cái gì có lợi cho nước Mỹ thì chính phủ của ông Trump tiếp tục làm, còn không có lợi thì rút bỏ hoặc thương lượng lại, kể cả với đồng minh chiến lược hay bất kỳ quốc gia nào khác. Ông Trump cũng đưa ra quan điểm với các đối tác: “Tôi là người mua lớn nhất thế giới. Bởi vì tôi là một khách hàng lớn, tôi phải thương lượng lại với mỗi nhà cung cấp” (?!).

Nhưng riêng với Trung Quốc, ngoài cái lý đó thì còn khía cạnh khác. Trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại, hai bên đã có các cuộc đàm phán cấp cao để tìm cách giảm thâm hụt thương mại cũng như một số lĩnh vực khác mà Mỹ cho rằng gây bất lợi. Song, dù Trung Quốc có một số nhượng bộ nhưng Mỹ vẫn nhận thấy “chưa đủ” để ngăn chặn cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Vậy, cái mà Washington cho rằng “chưa đủ” ở đây là gì?

Một là, năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Mỹ tin rằng, Bắc Kinh sẽ hướng đến nền kinh tế thị trường, phi tập trung và tôn trọng các quy định của WTO. Tuy nhiên, từ khi chính thức được kết nạp, những lời hứa đó trở thành vô nghĩa vì Trung Quốc đi theo hướng hoàn toàn khác của định chế WTO là “hướng đến việc tạo điều kiện cho thương mại giữa các nền kinh tế thị trường, trong đó vai trò của nhà nước bị hạn chế” .

Trung Quốc hiện nay được đánh dấu với việc tăng cường quyền lực của Nhà nước có mặt khắp nơi trong lĩnh vực kinh tế, trợ cấp rộng rãi và sự tồn tại dai dẳng của các doanh nghiệp Nhà nước. Bà Elvire Fabry, chuyên gia thuộc Viện Jacques Delors (Pháp) cho hay: “Doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm gần 40% các tập đoàn công nghiệp chính của Trung Quốc và chiếm đến 80-90% thị phần trong các ngành công nghiệp chiến lược”. Chính điều này cũng lý giải tại sao vào năm 2016, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) từ chối công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường.

Hai là, năm 2015, Bắc Kinh thông qua kế hoạch “Made in China 2025”, đưa Trung Quốc thành cường quốc chế tạo. Với mục tiêu này, Trung Quốc đề ra chính sách về công nghiệp, với kế hoạch nâng cấp cơ sở sản xuất trong 10 lĩnh vực chiến lược, như: robot, chất bán dẫn, hàng không và các loại xe năng lượng mới… Mục tiêu chính là tự cung tự cấp, bao gồm các mục tiêu như thiết bị hàng không và sản xuất thiết bị viễn thông.

Để đạt kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc tập trung 2 mũi nhọn: tăng nguồn vốn đầu tư của nhà nước và tạo điều kiện tối đa cho các lĩnh vực nói trên phát triển; đầu tư, thu thập, cưỡng đoạt, đánh cắp công nghệ cao của các nước…

Vì thế, khi “Made in China 2025” đi vào thực thi, lập tức vấp phải nhiều chỉ trích của các doanh nghiệp nước ngoài; thậm chí, họ còn cho rằng kế hoạch này là biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước của Trung Quốc, mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc.

Phòng Công nghiệp và Thương mại EU trong báo cáo hồi tháng 3-2017 nhấn mạnh, việc Trung Quốc hỗ trợ sản xuất công nghệ cao sẽ làm các công ty nước ngoài bị đối xử tệ hơn, thậm chí đối mặt với sức ép phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, đồng thời cho phép các nhà phát triển trong nước được nhà nước hậu thuẫn cạnh tranh không công bằng…

Nhật báo Les Echos (Pháp) số ra mới đây cho rằng, kế hoạch “Made in China 2025” phản ánh rõ cách làm của Trung Quốc là đi ngược hoàn toàn với quy luật của nền kinh tế thị trường vì “chính phủ can thiệp có hệ thống vào thị trường Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho các doanh nghiệp Trung Quốc thống trị nền kinh tế”.

Trong khi đó, Mỹ cũng đặc biệt quan tâm “Made in China 2025” của Trung Quốc. Báo cáo của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ gần đây nhắc đến hơn 100 lần cụm từ “Made in China 2025”, không chỉ nhằm tiết lộ chi tiết các hoạt động thương mại gian lận của Trung Quốc, mà còn chỉ ra những toan tính mang tính cực đoan của chính phủ Bắc Kinh về kế hoạch này. Không ít lần ông Trump lên án Trung Quốc hoạt động thương mại không công bằng, cưỡng ép để chuyển giao hoặc đánh cắp công nghệ của Mỹ…

Quốc hội Mỹ mới đây đã ra dự luật về đầu tư chặt chẽ hơn có liên quan đến Trung Quốc; quản lý, giám sát các ngành công nghệ mũi nhọn không để bị đánh cắp; không trang bị các thiết bị công nghệ của Bắc Kinh cho các lĩnh vực nhạy cảm của Washington.

Đi xa hơn, chính phủ của Tổng thống Trump tuyên chiến với Trung Quốc về thương mại. Khi Trung Quốc có hành động đáp trả, ngày 10-7 (giờ Mỹ), Mỹ chính thức công bố danh sách bổ sung 10% thuế đối với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Biểu thuế có thể có hiệu lực sau khi các cuộc lấy ý kiến công khai kết thúc vào ngày 30-8.

Đối với ông Trump, mục đích khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc không chỉ nhằm giảm thâm hụt mậu dịch, buộc nước này định vị lại “luật chơi” trên thương trường, mà sâu xa hơn chính là nhằm từng bước vô hiệu hóa kế hoạch chi phối các ngành công nghệ cao của Bắc Kinh theo “Made in China 2025” có nguy cơ đe dọa an ninh , kinh tế và quân sự của nước Mỹ.

Có thể nói, đó là nguyên nhân chính của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.