"Kẻ thù" trong tình bạn

Chuyến đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến châu Âu từ ngày 11 đến 17-7 vừa qua tạo ra 3 sự kiện lớn, đó là: hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với vấn đề chi tiêu quốc phòng; chuyến thăm Anh với vấn đề Brexit và cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ với việc Moscow có can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay không. Nhưng chủ nhân Nhà Trắng không dừng lại ở đó, mà còn tạo ra một “cơn sóng” khác không kém phần mạnh mẽ, tiếp tục ập thẳng vào đồng minh thân cận - Liên minh châu Âu (EU).

Một ngày trước khi đến Helsinki (Phần Lan) để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin, trả lời phỏng vấn chương trình “Face the Nation” được kênh truyền hình CBS News (Mỹ) phát ngày 15-7, Tổng thống Trump không ngần ngại cho rằng: “Tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều kẻ thù. EU là kẻ thù, vì những gì họ làm với nước Mỹ trong thương mại. Có thể bạn không nghĩ tới điều đó nhưng họ là thù địch” (!?).

Đối với ông Trump, trong thương mại, EU đã lợi dụng Mỹ. Ông đặc biệt chỉ trích Đức. “Do có thỏa thuận về đường ống dẫn khí với Nga, Đức sẽ chi ra hàng tỷ USD mỗi năm cho năng lượng, và tôi cho rằng điều đó không tốt, không công bằng… Cứ thử nghĩ xem: Bạn phải đi đánh nhau vì một người nhưng người đó lại đem hàng tỷ USD cho kẻ mà thực tế bạn phải phòng ngừa. Tôi thấy đó là điều rất lố bịch”, ông Trump nói.  

Ngay sau đó, trên mạng Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, Mỹ và EU là những người bạn thân thiết nhất; bất kỳ ai nói Mỹ - châu Âu là kẻ thù đều nhằm “gieo rắc tin giả” (?!).
Theo đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, đối với liên minh gồm 28 thành viên này, sự thay đổi quan điểm của chính phủ Mỹ không có nghĩa là kết thúc tình bạn, đồng thời khẳng định EU có nhiều bạn bè khác trên khắp thế giới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian cho rằng, dường như tất cả mọi người đều bị coi là kẻ thù của ông Trump. Theo ông, cần xem xét các tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ với sự điềm tĩnh. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders nhấn mạnh, Mỹ là đồng minh của EU và tất cả các nước đã tái khẳng định mối liên kết xuyên Đại Tây Dương tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngay cả khi các bất đồng vẫn tồn tại.

Những phản ứng đó cho thấy các thành viên EU vẫn xem Mỹ là người bạn, là đồng minh. Nhưng tại sao ông Trump lại xem EU là kẻ thù trong thương mại?

Có lẽ, một lý do xuyên suốt đã chi phối toàn bộ quan điểm của ông Trump về EU cũng như NATO là nhiều thành viên trong 2 tổ chức này đã “lợi dụng” Mỹ quá nhiều trong những thập niên qua. Theo ông Trump, Mỹ đã bỏ quá nhiều tiền để bảo vệ các thành viên NATO, trong khi sự đóng góp của phần còn lại trong tổ chức này quá ít và không đúng cam kết.

Về Nga và Trung Quốc, Tổng thống Trump nhận định: “Nga là kẻ thù ở một số khía cạnh nhất định, còn Trung Quốc là kẻ thù kinh tế, đương nhiên là như vậy. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ xấu, mà chỉ mang ý nghĩa họ là đối thủ cạnh tranh”. Nhưng khi được hỏi ai là “đối thủ cạnh tranh chính, ai là kẻ thù chính của Mỹ trên thế giới hiện nay”, ông Trump không ngần ngại cho biết: “EU là một vấn đề rất khó khăn”.

Đánh giá đó của ông Trump cho thấy, với Nga và Trung Quốc, cách đối phó của Mỹ trong lĩnh vực thương mại rõ ràng, dễ dàng, nhưng với EU là “rất khó khăn”. Khó khăn ở đây được hiểu nôm na: hai bên vốn là bạn của nhau, là đồng minh chiến lược, nhưng theo ông Trump thì EU đã “lợi dụng” Mỹ quá nhiều trong thương mại, làm Washington bị mất cán cân rất lớn. Nhưng khi Mỹ bắt tay vào giải quyết thì người bạn EU lại có ngay những hành động đáp trả… Vì thế, ông Trump dọa áp thuế 20% đối với ô-tô nhập khẩu từ EU nếu khối thị trường chung không sớm gỡ bỏ các thuế quan và rào cản thương mại áp đặt với Mỹ. EU đánh thuế hàng chục sản phẩm của Mỹ, trong đó có thuốc lá, rượu bourbon, quần bò hay xe máy phân khối lớn… kể từ ngày 22-6 nhằm đáp trả việc Washington áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm xuất khẩu của liên minh này. Thậm chí, ông Trump còn mạnh tay với EU hơn khi tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty đang hoạt động tại Iran. Động thái của ông Trump cho thấy, giải quyết “kẻ thù” trong tình bạn là công việc khó khăn, nhưng không thể không hành động.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.