Cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ sắp diễn ra vào ngày 6-11 tới không lựa chọn các ứng viên tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo nhưng sẽ định hình “quỹ đạo chính trị” của cường quốc này trong vòng 2 năm tới. Theo đó, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn toàn bộ 435 thành viên của Hạ viện, 35 thượng nghị sĩ, 39 thống đốc bang và vùng lãnh thổ.
Đối với đảng Dân chủ, cuộc bầu cử này là cơ hội để giành lại thế đa số ở cả hai viện Quốc hội nhằm ngăn cản hàng loạt chương trình gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Tại Hạ viện, phe Dân chủ phải giành được hơn 20 ghế để đạt tới con số 218 ghế nhằm áp đảo phe Cộng hòa.
Trang thống kê FiveThirtyEight dự đoán phe Dân chủ có 76% cơ hội chiến thắng; phe Cộng hòa có 66% cơ hội duy trì quyền kiểm soát Thượng viện khi đang nắm giữ 51/100 ghế.
Vì thế, cuộc bầu cử lần này cực kỳ quan trọng với chính phủ Tổng thống Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa cũng như với đảng Dân chủ đối lập. Mặt khác, kết quả bầu cử giữa kỳ là phép thử về khả năng hoạt động của Tổng thống Trump trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ.
Đến nay, chiến dịch vận động tranh cử của 2 đảng đang bước vào chặng cuối, giai đoạn chạy đua nước rút đầy gay cấn, tập trung vào 5 vấn đề chủ chốt: một là y tế, xung quanh đạo luật chăm sóc y tế với giá cả phải chăng (được biết đến với tên gọi Obamacare) do cựu Tổng thống Barack Obama ban hành; hai là tư pháp, với việc Tổng thống Donald Trump đề cử ông Brett Kavanaugh - người bị cáo buộc tấn công tình dục phụ nữ - giữ chức Thẩm phán Tòa án Tối cao gây nhiều tranh cãi; ba là kinh tế, dù kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhưng nhiều nhà kinh tế học lo ngại các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động có thể không thật sự được hưởng lợi; bốn là nhập cư, với 58% số người Mỹ không ủng hộ chính sách nhập cư của Tổng thống Trump; năm là việc luận tội ông Trump bắt nguồn từ một số vấn đề, trong đó có cáo buộc ông đã hưởng lợi tài chính “không phù hợp” trên cương vị Tổng thống, hành xử không đúng đắn, cùng với đó là cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và nhiều vấn đề khác.
Bởi vậy, đích thân ông Trump tham gia nhiều chiến dịch vận động tranh cử. Ông liên tiếp có mặt ở 15 cuộc tập hợp cử tri trong tháng 10, nếu tính từ ngày 3-9, ngày lễ Lao động của Mỹ, là tổng cộng khoảng 30 cuộc, để truyền năng lượng đến hàng trăm triệu người ủng hộ trên khắp cả nước với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cựu phát ngôn viên Hạ viện Newt Gingrich - người thân cận với ông Trump nhấn mạnh: “Đây là chiến dịch tranh cử tổng thống thứ 2. Ông (Trump) áp đặt sự thống trị ở đảng Cộng hòa kiên quyết hơn bất lỳ tổng thống nào thời hiện đại”.
Đáng lưu ý, cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ sâu sắc chưa từng có. Hơn nữa, nước Mỹ cũng vừa bị chấn động bởi hàng loạt bom thư gửi đến nhà cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton…; tiếp đó là vụ xả súng kinh hoàng tại giáo đường Do Thái ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, làm hàng chục người thương vong.
Một số nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump làm gia tăng căng thẳng chính trị và gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ bằng những ngôn từ và hành động của mình. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thậm chí cho rằng, nước Mỹ đang ở “thời kỳ nhiễu loạn”. Trong khi đó, ông Trump kêu gọi giới truyền thông chấm dứt “sự thù địch” và “các cuộc tấn công giả mạo” khi bình luận về vấn đề bom thư.
Có thể nói, những căng thẳng leo thang trong những ngày gần đây cả trên chính trường lẫn trong đời sống xã hội càng làm cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ trở nên cam go, khốc liệt. Thăm dò dư luận cho thấy, các nghị sĩ đảng Dân chủ có cơ hội giành thế đa số tại Hạ viện nhưng đảng này sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong cuộc đua vào Thượng viện. Dù vậy, Dân chủ hay Cộng hòa thắng thế là câu hỏi còn ở phía trước, nhưng sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ là điều mà không ai phủ nhận.
TUYẾT MINH