Saudi Arabia "đóng băng" quan hệ với Canada, vì sao?

Quan hệ giữa Saudi Arabia với Canada bất ngờ trở nên “sóng gió” từ ngày 6-8 sau khi Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Canada thúc giục Riyadh trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị bắt.

Saudi Arabia triệu hồi Đại sứ tại Canada về nước và yêu cầu Đại sứ Canada tại Riyadh rời khỏi nước này trong vòng 24 giờ đồng hồ. Saudi Arabia cũng đình chỉ các chương trình trao đổi giáo dục với Canada, đồng thời có kế hoạch chuyển 12.000 sinh viên nước này và các thành viên gia đình của họ đang học tập, nghiên cứu tại Canada đến các quốc gia khác như Mỹ.

Không chỉ vậy, Saudi Arabia chính thức “đóng băng” các hoạt động đầu tư và thương mại mới với Canada. Hãng hàng không nhà nước của Saudi Arabia tuyên bố tạm ngừng các chuyến bay của Canada đến và đi từ Toronto.

Đây được xem là hành động đáp trả mạnh mẽ nhất của Saudi Arabia nhằm vào một quốc gia phương Tây là Canada với lý do “can thiệp công việc nội bộ”. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ra tuyên bố “quan ngại sâu sắc” các phản ứng từ Saudi Arabia.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Saudi Arabia lại giận dữ như vậy đối với Canada?

Chính phủ tiền nhiệm của Canada đã thiết lập mối quan hệ thân thiện với Saudi Arabia. Hai bên có sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4 tỷ USD hằng năm. Hàng hóa xuất khẩu của Canada sang Saudi Arabia trị giá tổng cộng khoảng 1,12 tỷ USD hồi năm 2017, chiếm 0,2% tổng giá trị xuất khẩu của Canada.

Canada đã ký hợp đồng trị giá khoảng 15 tỷ USD bán xe bọc thép hạng nhẹ cho Saudi Arabia. Song, thỏa thuận này giờ đây gây lúng túng cho chính phủ Canada, khi công chúng nước này biết những chiếc xe bọc thép đó đã được Saudi Arabia sử dụng vào các hoạt động tấn công thường dân ở Yemen. Canada cho rằng, Saudi Arabia đã vi phạm nhân quyền và không thể chấp nhận được. Vì thế, thời gian gần đây, Toronto có thái độ lạnh nhạt với Riyadh.

Tranh chấp giữa 2 nước có thể gây tổn hại cho mối quan hệ thương mại song phương. Đến nay, vẫn chưa có nhiều phản ứng quốc tế về những căng thẳng mới giữa Saudi Arabia và Canada. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng vùng Vịnh ủng hộ Riyadh. Bộ Ngoại giao Bahrain khẳng định ủng hộ Saudi Arabia và không chấp nhận sự can thiệp của Ottawa vào những vấn đề nội bộ của Riyadh. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng kịch liệt phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Saudi Arabia.

Trong khi đó, một quan chức Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã gửi yêu cầu chính phủ Saudi Arabia thông tin chi tiết hơn về vụ giam giữ các nhà hoạt động, đồng thời hy vọng quốc gia đồng minh này tuân thủ các nguyên tắc pháp lý xét xử công bằng. Bộ Ngoại giao Mỹ hối thúc Canada và Saudi Arabia sử dụng đường lối ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Rõ ràng Mỹ đang bị kẹt trong căng thẳng của hai đồng minh và việc “đóng băng” quan hệ giữa Canada và Saudi Arabia sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách Trung Đông của Washington, nhất là trong bối cảnh cả khu vực này có hàng loạt vấn đề “nóng” nổi lên, đan xen nhau như: cuộc chiến chống khủng bố; nội chiến ở Syria, Lybia, Yemen; hay xung đột Israel - Palestine…

Canada có kế hoạch tìm tới các đồng minh UAE và Anh, đồng thời có thể cả Mỹ, để tranh thủ sự ủng hộ. Trong khi đó, dù bất đồng về quan điểm nhân quyền, tự do ngôn luận hay tôn giáo nhưng Saudi Arabia vẫn là đối tác truyền thống, có quan hệ kinh tế và an ninh thân thiết với Mỹ.

Song, giới phân tích quốc tế cho rằng, Canada chỉ là quốc gia “thí mạng” để Saudi Arabia “dằn mặt” các nước đồng minh phương Tây rằng, không nên can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này như Mỹ, Anh từng làm trong quá khứ đối với nhiều vấn đề của Riyadh, như việc Quốc vương Salman phế truất chức vụ Thái tử của cháu trai Muhammad bin Nayef để đưa con trai ông là Mohammed bin Salman lên, hay cuộc chiến chống tham nhũng…

Trong những ngày tới, Saudi Arabia có thể tiếp tục các động thái cứng rắn với Canada khi các nước phương Tây vẫn phản ứng yếu ớt trước vụ việc này.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.