Sau "khẩu chiến" là đàm phán?

Trong hơn 1,5 năm nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Donald Trump đã áp dụng thủ thuật “sau khẩu chiến là đàm phán” để giải quyết các vấn đề có những xung đột lợi ích ảnh hưởng đến mục tiêu “nước Mỹ trên hết”.

Hằng ngày, trên Twitter cá nhân của Tổng thống Trump xuất hiện những dòng tuy ngắn nhưng chứa đựng quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng về vấn đề nào đó. Chẳng hạn, xung quanh những bất đồng về kinh tế với Trung Quốc, trên Twitter xuất hiện khá đều đặn ý kiến của ông Trump như: “Trung Quốc thao túng tiền tệ”, “Trung Quốc kinh doanh không công bằng”… Khi đối phương có những ý kiến đáp trả, ngay lập tức ông Trump cũng có những dòng đáp trả khá mạnh mẽ, thậm chí vô cùng gay gắt. Cứ như vậy, cuộc chiến ngôn từ của ông Trump leo thang dần. Hiện Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang có những cuộc đối thoại riêng rẽ trong nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước.

Hay như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đẩy căng thẳng với Bình Nhưỡng lên đến nguy cơ xung đột vũ trang. Trên Twitter của ông xuất hiện những dòng phê phán, chống đối, đe dọa cả chính quyền lẫn cá nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Thế nhưng, những ngôn từ đảo ngược 180 độ bất ngờ xuất hiện khi cho rằng, Mỹ sẵn sàng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuyên bố này kéo theo những nỗ lực ngoại giao, để rồi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12-6 vừa qua tại Singapore.

Một ví dụ nữa cũng cho thấy rõ hơn thủ thuật “sau khẩu chiến là đàm phán”, đó là vấn đề thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Sau khi áp dụng thuế suất 10-25% nhằm vào nhôm và sắt của EU nhập vào Mỹ, ông Trump úp mở “đe dọa” trên Twitter rằng sẽ áp thuế ô-tô của lục địa này. Mới đây, trong chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tới Mỹ, hai bên đã nhất trí phối hợp để tăng cường thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương… Vậy là Mỹ và EU đã tạm thời đạt được bước đột phá quan trọng trong việc “tháo ngòi nổ” cho cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Còn hiện nay thì sao?

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) và dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này, cuộc “khẩu chiến” diễn ra rất căng thẳng giữa Mỹ với các bên liên quan gồm: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và đặc biệt là Iran.
Trên Twitter, ông Trump lên án JCPOA là “kinh khủng, một phía”; Iran là nước “khủng bố”; thậm chí dọa sẽ có những hành động quyết liệt hơn để quốc gia này phải khuất phục trước các đòn trừng phạt của Mỹ…

Đáp trả, Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này cũng như các quốc gia có quan hệ thương mại với Tehran là “cuộc chiến kinh tế”. Ông Rouhani cho rằng, động thái của Mỹ sẽ gây ra các tác động tiêu cực và cam kết “đánh bại” Washington trong vấn đề này. Nhà lãnh đạo Iran cảnh báo, nếu Tehran không thể xuất khẩu dầu, các nước khác trong khu vực cũng sẽ không thể xuất khẩu dầu. Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani chỉ rõ Mỹ đang bị cô lập trong thế đối đầu với toàn bộ các nước còn lại trong thỏa thuận JCPOA lịch sử.

Khi thấy đối phương bất chấp đe dọa, sẵn sàng đối đầu, bất ngờ ông Trump lại tung ra “ngón đòn” quen thuộc là đàm phán. Trên Twitter, ông Trump tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Iran vô điều kiện để bàn về vấn đề hạt nhân của nước này. Nhưng hiện nay, phía Iran từ chối cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ. Iran vẫn chưa sẵn sàng thực hiện công thức “sau khẩu chiến là đàm phán” của ông Trump vì còn có những tính toán riêng mình dù Tehran cũng chịu sức ép lớn từ phía Mỹ và các đồng minh của Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nêu rõ: “Làm sao ông Trump có thể chứng minh với Iran rằng, những phát biểu mà ông ấy đưa ra cho thấy ý định đàm phán thực sự” (?!).

Thế mới hay, không phải lúc nào công thức “sau khẩu chiến là đàm phán” của ông Trump cũng hữu hiệu ngay lập tức, chí ít đối với Iran là ví dụ cụ thể hiện nay.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.