Tháng 8-1996, tại New York (Mỹ), Ủy ban UNICEF thuộc UNESCO, một tổ chức của Liên Hợp Quốc, đã thống nhất thông qua 12 giá trị sống của nhân loại, đó là: Hòa bình, Tôn trọng, Tình yêu thương, Khoan dung, Trung thực, Khiêm tốn, Hợp tác, Hạnh phúc, Trách nhiệm, Giản dị, Tự do và Đoàn kết.
Như vậy, hòa bình là một trụ cột chính, cốt lõi để làm nên giá trị sống chân chính của nhân loại. Hòa bình cũng là mơ ước của biết bao thế hệ con người về trạng thái tinh thần bình an, cuộc sống hạnh phúc, không có chiến tranh và bạo lực.
Từ xưa và đến nay, hòa bình theo cả hai nghĩa hẹp và nghĩa rộng vẫn luôn là khát vọng chính đáng của con người; đối nghịch với nó là chiến tranh. Con người đã thấy rõ những tội ác khủng khiếp do chiến tranh gây ra. Cũng từ đó, nhiều người, nhiều bộ lạc, nhiều quốc gia đã suy nghĩ, bàn bạc trong nhiều diễn đàn để thống nhất đưa ra những quy ước, luật lệ, hiến pháp, hiến chương, thỏa thuận… giúp ngăn ngừa thảm họa, kiến tạo cuộc sống chung giữa các công dân trong một nước, giữa các quốc gia với nhau bớt xung đột. Thiên tài Albert Einstein từng nói: “Không thể gìn giữ hòa bình bằng bạo lực, nó chỉ có thể đạt được bằng sự thông hiểu lẫn nhau”. Nhà văn vĩ đại của Pháp Victor Hugo cho rằng: “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại, chiến tranh là tội ác”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 12-2013 nói: “Chủ nghĩa hòa bình tích cực dựa trên sự hợp tác quốc tế, trong đó con người có thể dàn xếp mọi dị biệt của họ bằng đối thoại tránh bạo lực”.
…Và hôm nay, tại Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam, được UNESCO vinh danh là thành phố hòa bình cách đây tròn 20 năm, diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump để tìm kiếm thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, vạch ra lộ trình cụ thể về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Những năm gần đây, trên thế giới liên tục xuất hiện các “điểm nóng” xung đột vũ trang và chiến tranh đe dọa sự sống của hàng triệu người dân. Thành ra, hòa bình vẫn là điều “xa xỉ” đối với nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Vì thế, sự có mặt của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại thủ đô Hà Nội trong những ngày này là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, sau cuộc gặp lần thứ nhất vào tháng 6-2018 tại Singapore, nhằm cụ thể hóa những định hướng đã đặt ra.
Với những tín hiệu tốt đẹp trong những ngày gần đây, dư luận quốc tế kỳ vọng rằng, trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump sẽ tạo dựng niềm tin, tìm được tiếng nói chung trên nhiều vấn đề, để chính thức tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, mở ra cơ hội cho tiến trình phi hạt nhân hóa, nhằm từng bước thiết lập mối quan hệ song phương, tiến tới xây dựng một nền hòa bình bền vững không chỉ trên bán đảo Triều Tiên, hay ở khu vực Đông Bắc Á mà còn cả trên thế giới.
Nếu điều đó thành hiện thực thì bán đảo Triều Tiên sẽ bước sang một trang mới; mối quan hệ Mỹ - Triều sẽ bước sang một trang mới. Đây cũng là minh chứng cho những gì mà cựu Tổng thống Mỹ Franklin. D. Roosevelt từng nhấn mạnh: “Nói về hòa bình là không đủ, bạn phải tin vào nó. Và tin vào hòa bình là không đủ, bạn phải hành động vì nó”.
TUYẾT MINH