Sự đảo chiều bất ngờ

.

Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã phát động chiến dịch ở Syria hồi tháng 9-2014 với mục tiêu đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các hoạt động của liên quân này không được chính phủ Syria và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cho phép.

Sự tham gia của liên quân biến chiến trường Syria thành những mảng sáng - tối khác nhau, khó phân định trong cuộc chiến chống khủng bố. Các phần tử cực đoan lẫn lực lượng chống chính phủ Syria tranh thủ thời cơ tạo ra các vùng đệm nhằm gây khó khăn cho giới chức nước này trong việc chống IS và kiểm soát tình hình.

Với mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump không muốn sa lầy ở Syria nên lựa chọn phương án “việc của Trung Đông do các nước Trung Đông tự giải quyết”, hay như cách nói của ông chủ Nhà Trắng khi đến thăm căn cứ không quân Mỹ ở Iraq vào dịp Giáng sinh vừa qua rằng, “Mỹ không thể tiếp tục là cảnh sát toàn cầu”.

Vì thế, ông Trump quyết định rút quân khỏi Syria ngay lập tức với lý do “đã hoàn thành sứ mệnh đánh bại IS” tại quốc gia Trung Đông này.

Động thái của ông Trump bị các nước đồng minh phản đối. Các tướng lĩnh Lầu Năm Góc cũng không đồng tình. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức và người cấp phó Patrick Shanahan chính thức tiếp quản Lầu Năm Góc với cương vị quyền Bộ trưởng Quốc phòng từ ngày 1-1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Mỹ muốn chuyển giao trách nhiệm tại Syria cho các đối tác trong liên minh trên thực địa bởi tại đây còn có các quân nhân đến từ Pháp, Anh và Đức vốn được triển khai không hợp pháp tại Syria, cũng như lực lượng không quân thuộc liên minh.

Ông Lavrov nhận định, sau khi rút quân, Mỹ cũng có thể muốn các đồng minh trong khu vực tiếp nhận gánh nặng tài chính liên quan tới sứ mệnh của họ ở Syria.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bày tỏ hoài nghi về việc Mỹ thực hiện cam kết rút quân khỏi Syria.

Ông Ryabkov nêu rõ: Mỹ không dễ gì rút quân trong bối cảnh quân đội Syria với sự hỗ trợ của lực lượng không quân Nga có những thành công thực tế trên thực địa, cũng như các nước bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đạt được tiến triển trong khuôn khổ hòa đàm Astana và Đối thoại Dân tộc Syria tại Sochi (Nga).

Ông cũng cho rằng, việc quân đội Mỹ hiện diện tại Syria là bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế vì không được HĐBA LHQ cho phép và không được chính phủ Syria mời đến.

Dự báo đó của Nga là chính xác khi ngày 31-12-2018, tuy Tổng thống Trump vẫn lên tiếng bảo vệ quyết định rút quân khỏi Syria, nhưng ông chuyển đổi trạng thái từ “nhanh chóng” trong 30 ngày sang sẽ “dần rút binh sĩ về nước trong khi vẫn tiếp tục cuộc chiến chống IS”.

Ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “IS gần như đã bị tiêu diệt, chúng tôi sẽ dần rút binh sĩ về nước, trở về với gia đình của họ, cùng lúc đó vẫn tiếp tục chiến đấu chống tàn dư IS”. Điều này có nghĩa việc Mỹ tuyên bố rút quân hoàn toàn, nhanh chóng ở Syria chỉ là động thái thăm dò, mang tính bấp bênh của một chiến lược “nhập nhằng”, khó đoán định của ông Trump.

Có thể nói, sự đảo chiều bất ngờ là một trong hàng loạt chính sách của Tổng thống Trump được thể hiện ở mọi lĩnh vực, mà vấn đề rút quân tại Syria là một ví dụ cụ thể, đã khiến các đồng minh và cả những đối thủ của Mỹ cảm thấy nản lòng.

Chiến thuật đàm phán linh động mà Tổng thống Trump đề cập trong cuốn “Nghệ thuật đàm phán” của ông (xuất bản năm 1987) đã được áp dụng cả trong chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và an ninh…, khiến nhiều nước hoài nghi về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là đối tác đàm phán, hoặc đối tác chiến lược trong một số trường hợp về an ninh hoặc quân sự. Đây được xem là nét điển hình trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.