Cuộc mặc cả để "ly hôn" chưa có hồi kết

.

Còn chưa đầy 20 ngày nữa, Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, những mặc cả của chính phủ Thủ tướng Theresa May về vấn đề Brexit gây chia rẽ trong nội các và vấp phải sự phản đối của Quốc hội. Các nghị sĩ yêu cầu bà May tìm một hiệp ước bảo đảm quyền lợi của công dân Anh sau Brexit, thậm chí còn muốn tiến hành trưng cầu dân ý lần hai.

Ngày 5-3, Nghị viện xứ Scotland và Wales bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đã nhất trí với EU trước đó. Đây là lần đầu tiên Nghị viện của hai vùng đồng thời bỏ phiếu phản đối, thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ nước Anh đối với vấn đề Brexit.

Các nhà lập pháp Anh muốn ngăn cản Thủ tướng May đưa Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận - kịch bản mà nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, bởi hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ sẽ bị đình trệ vì việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan.

Thủ tướng May phải thân chinh đến Brussels (Bỉ) để đề nghị EU đàm phán lại một số điều. Theo các nhà lãnh đạo EU, thỏa thuận đạt được trước đây là “điều tốt nhất” cho cả đôi bên khi “chia tay” nên rất khó để thay đổi các điều khoản, mặc dù khối này phát đi những tín hiệu tích cực cho phép Anh thay đổi một số nội dung trong thỏa thuận.

Bà May cũng đã trao quyền “cầm lái” cho Quốc hội Anh nhằm ngăn chặn và đảo ngược Brexit không thỏa thuận. Vì vậy, nếu những sửa đổi mà Thủ tướng May nỗ lực tìm kiếm không giúp thỏa thuận vượt qua cuộc bỏ phiếu lần hai tại Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 12-3 tới, chính phủ sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 13-3 để các nhà lập pháp quyết định có chấp thuận kịch bản Brexit không thỏa thuận hay không. Một khi khả năng này tiếp tục bị phủ quyết, Quốc hội sẽ bỏ phiếu lại vào ngày 14-3 về phương án tìm kiếm sự “gia hạn ngắn và có giới hạn” đối với Điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon, hay còn gọi là kéo dài thời gian Brexit.

Trước những diễn biến phức tạp đó, dù cho rằng việc Anh rời EU hoàn toàn có thể diễn ra đúng hạn (ngày 29-3) nhưng Bộ trưởng Thương mại Liam Fox thừa nhận, cần thiết phải trì hoãn Brexit để Anh ra đi một cách êm thấm. Trước đó, Thủ tướng May từng tuyên bố nếu trì hoãn thì Brexit sẽ diễn ra muộn nhất vào cuối tháng 6. Song, theo ông Fox, nếu EU yêu cầu trì hoãn Brexit tới 21 tháng hoặc 2 năm, đó là một khả năng gây sốc nhưng không thực tế vì EU sẽ không muốn Anh tham gia các cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.

Hiện tại, đường biên giới Ireland (quốc gia thuộc EU) với Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) là đường biên giới mềm, không có các chốt chặn kiểm soát. Khi Anh rời EU, đường biên giới này sẽ có các chốt chặn kiểm soát. Năm ngoái, Thủ tướng May và các lãnh đạo EU đã nhất trí sẽ dùng phương án “chốt chặn cuối cùng”. Theo đó, Bắc Ireland vẫn tuân thủ quy định của EU cho đến khi hai bên tìm được giải pháp khác thay thế nhằm duy trì đường biên giới mềm như hiện nay. Tuy nhiên, kế hoạch này bị một số nghị sĩ ủng hộ Brexit phản đối.

Trưởng đoàn đàm phán EU, ông Michel Barnier nói rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chấp nhận trì hoãn “về kỹ thuật” đối với Brexit nhằm cho Quốc hội Anh thời gian để chính thức thông qua thỏa thuận “ly hôn” cuối cùng. Song, đàm phán Brexit giữa EU và Anh đã kết thúc chỉ sau 3 giờ đàm phán tại Brussels vào ngày 5-3. Hai bên tiếp tục nhóm họp vào ngày 6-3 và chưa rõ kết quả ra sao.

Có thể nói, cuộc mặc cả giữa Anh với EU, hay ngay trong nội bộ nước Anh cho thấy chưa có hồi kết rõ ràng để cuộc “ly hôn” diễn ra thuận buồm xuôi gió. Đây thật sự là thách thức không nhỏ với chính phủ của Thủ tướng May, Quốc hội Anh cũng như cả EU, chí ít là trong tình hình hiện nay.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.