Mỹ "thả bom ngoại giao" thứ hai ở Trung Đông

.

Tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định này khiến thế giới Arab và cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ; việc giải quyết xung đột ở Trung Đông và kiến tạo nền hòa bình giữa Israel với Palestine theo đó cũng trở nên xa vời.

Ngày 25-3-2019, Tổng thống Trump “đảo chiều” chính sách của Washington suốt nhiều năm với việc ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, động thái được cho là đổ thêm dầu vào “chảo lửa” Trung Đông.

Năm 1967, Israel chiếm cao nguyên Golan. Năm 1981, Israel tuyên bố sáp nhập đông Jerusalem và cao nguyên Golan vào lãnh thổ, mở rộng vĩnh viễn các ranh giới của mình. Song, động thái của Tel Aviv không được cộng đồng quốc tế công nhận. Nghị quyết do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua năm 1981 cũng nêu rõ: “Quyết định của Israel áp đặt luật pháp, quyền tài phán và quyền quản lý tại khu vực cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là vô giá trị và không có hiệu lực pháp lý quốc tế”.

Cao nguyên Golan có vị trí chiến lược về quân sự đối với cả Israel lẫn Syria. Từ cao nguyên Golan có thể quan sát miền nam Syria, miền bắc Israel và miền nam Lebanon. Không những thế, cao nguyên này còn được xem là tài sản chiến lược với tài nguyên nước và đất đai màu mỡ. Israel và Syria đã tiến hành một số vòng đàm phán về vấn đề cao nguyên Golan nhưng quá trình đàm phán gián đoạn sau khi Syria rơi vào nội chiến từ năm 2011.

Với tư cách là đồng minh số một của Mỹ tại khu vực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần gây sức ép để Washington thừa nhận cao nguyên Golan thuộc về Tel Aviv. Và nay điều ông Netanyahu mong muốn đã được “hiện thực hóa”, nhất là trước thềm tổng tuyển cử Israel, dự kiến diễn ra vô cùng khó khăn cho nhà lãnh đạo này vào ngày 9-4 tới.

Làn sóng chỉ trích của nhiều quốc gia trên thế giới đang dấy lên; trong đó, Syria ngày 27-3 đề nghị HĐBA LHQ nhóm họp khẩn cấp. HĐBA dự kiến triệu tập cuộc họp vào ngày 27-3 (ngày 28-3, giờ Việt Nam) để bàn về tương lai của các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở cao nguyên Golan. Mấy ngày trước, Syria đã yêu cầu HĐBA bảo vệ 3 nghị quyết hiện hành kêu gọi Israel rút quân khỏi cao nguyên Golan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng chỉ trích gay gắt động thái của Mỹ. “Không ai có thể tưởng tượng một cá nhân ở Mỹ đến và giao đất của một đất nước cho một đất nước chiếm đóng khác, đi ngược lại luật pháp và các công ước quốc tế. Hành động này chưa có tiền lệ trong thế kỷ hiện tại”, ông Rouhani nói.

Có thể nói, quyết định của Tổng thống Trump công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel là “quả bom ngoại giao” thứ hai (sau vụ công nhận Jeruzalem là thủ đô của Israel) ném vào “chảo lửa” Trung Đông, nhằm vẽ lại bản đồ khu vực này.

Đây là bước đi được cho là “hoàn toàn vì ông Netanyahu” trước thềm bầu cử, nhưng lại vô cùng nguy hiểm, làm mâu thuẫn giữa Israel với thế giới Arab càng trở nên sâu sắc. Báo New York Times bình luận, sự kiện này chẳng khác gì trao cho Thủ tướng Israel một món quà giá trị ngay trước thềm bầu cử nhưng phá hủy chính sách của Mỹ đối với Trung Đông được xây dựng trong nhiều thập niên qua, mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Trump chỉ mang tính biểu tượng, chứ không thể thay đổi được hiện trạng của cao nguyên Golan.

Hơn thế, khi cuộc chiến chống khủng bố bên trong cuộc nội chiến ở Syria đến nay vẫn chưa kết thúc, việc Mỹ công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel sẽ khoét sâu thù hận, đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông đứng bên miệng hố chiến tranh.

Israel thực chất luôn thúc giục Mỹ công nhận chủ quyền đối với cao nguyên Golan như biện pháp để đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực. Song, bên cạnh việc ủng hộ Israel, bước đi “có tính toán” của Tổng thống Trump có thể là cách nhằm hiện thực hóa chiến lược mới của Mỹ ở Trung Đông, khi Washington muốn thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên “trục đồng minh” gồm Saudi Arabia - Israel - Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các quốc gia “thù địch” với Iran. Mục tiêu cuối cùng là Mỹ vẫn duy trì được ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực luôn “nóng” này. 

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.