Phía sau cuộc chiến chống khủng bố

.

Cuộc chiến chống khủng bố nói chung, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nói riêng đang bước vào những giai đoạn cuối trên chiến trường Trung Đông. Một thách thức đang làm nhiều quốc gia phải đau đầu, đó là những chiến binh nước ngoài tham gia IS tại chiến trường Syria bị lực lượng chống khủng bố bắt giam và các nước phải nhận lại để tổ chức xét xử. Ngày 17-2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Mỹ đang yêu cầu Anh, Pháp, Đức và các đồng minh châu Âu nhận lại 800 tay súng IS mà chúng tôi đã bắt giữ tại Syria, và tổ chức xét xử những đối tượng này”.

Đây quả là bài toán khó đối với nhiều nước, nhất là châu Âu, khi phải nhận lại công dân đã tham gia IS trong nhiều năm qua. Một khi nhận lại các chiến binh IS, việc xét xử hay tiến hành các biện pháp quản lý đều phức tạp. Bởi vậy, người phát ngôn của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói: “Chúng ta đang nói về những người nguy hiểm nhất thế giới. Chúng ta không nên nhận những người đó lại”. Quan chức này mô tả lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ là hấp tấp và tình hình ở Syria vẫn chưa ổn định.

Đức khéo léo hơn trong việc từ chối đề nghị của Tổng thống Trump. Giới chức Đức giải thích rằng, về lý thuyết, những công dân Đức dù đã chiến đấu trong hàng ngũ IS vẫn có quyền trở lại quê hương. Tuy nhiên, có những trở ngại pháp lý nhất định ngăn cản việc họ trở về. Đức cần phải tiếp xúc lãnh sự với các cá nhân như vậy trước khi quyết định có nhận lại họ hay không.

Nội bộ nước Anh lại có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid bác bỏ việc tiếp nhận lại các tay súng. Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Jeremy Wright có quan điểm “mềm mỏng” hơn khi nói rằng, có thể ít nhất ở một chừng mực nào đó, chính phủ Anh có trách nhiệm phải nhận lại họ.
Mới đây, Úc cũng đã chính thức phản đối lời kêu gọi của Mỹ về việc “chịu trách nhiệm” đối với các tay súng người Úc đã gia nhập IS tại Trung Đông. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Michael Keenan khẳng định sẽ làm việc chặt chẽ với các đồng minh an ninh, nhất là Mỹ, nhưng các quyết định về an ninh quốc gia do chính phủ Úc tự đưa ra sau khi cân nhắc kỹ càng. Ông Keenan cho hay, chính phủ Úc hiểu rõ sự nguy hiểm khi hồi hương các tay súng Hồi giáo. Trong mọi trường hợp, biện pháp tốt nhất của Úc là loại trừ tất cả thành phần này ra khỏi đất nước.

Đối với Iraq, vốn từng chịu thảm họa do IS gây ra, Tổng thống Barham Salih nói rằng, các chiến binh IS nước ngoài nếu bị xét xử tại Iraq có thể nhận án tử hình. Lực lượng do Mỹ dẫn đầu tại Iraq hồi tháng trước đã bàn giao khoảng 280 người mang quốc tịch Iraq và nước ngoài bị tình nghi là thành viên IS. Khoảng 500 tù nhân IS khác có thể tiếp tục được bàn giao cho chính phủ Baghdad. Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết, nước ông có thể dẫn độ các tù nhân IS không phải công dân Iraq về nước hoặc xét xử những người bị tình nghi phạm tội chống lại Iraq và nhân dân Iraq. Theo luật pháp Iraq, những người này có thể đối mặt với án tử hình.

Phát biểu của ông Salih là tuyên bố công khai đầu tiên khẳng định các thành viên nước ngoài thuộc IS có thể bị xét xử tại Iraq. Tuy vậy, Baghdad cho biết, quốc gia này không có ý định xét xử tất cả thành viên IS được chuyển từ Syria sang.

Có thể nói, chống khủng bố nói chung, IS nói riêng là một cuộc chiến gay go, phức tạp. Nhưng giải quyết hậu quả cuộc chiến cũng là một thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.