Quan hệ Nga - NATO 'đóng băng'

.

Quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhanh chóng xấu đi vào năm 2014 sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở về Nga. Nay Nga tuyên bố, nước này và NATO hoàn toàn chấm dứt các quan hệ hợp tác ở cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho rằng, NATO đã đi quá xa trong việc đẩy mạnh đối đầu với Moscow. Ông cáo buộc NATO quay về cách hành xử thời Chiến tranh Lạnh và liên minh quân sự này đang muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới. “Các hoạt động hợp tác quân sự và dân sự đã dừng hoàn toàn. NATO đã bỏ qua mọi chương trình nghị sự tích cực trong quan hệ với Nga. Đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy NATO biết cách thoát khỏi bế tắc này”, ông Grushko nói.

Để chuẩn bị hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 8 tổ chức tại thủ đô Moscow từ ngày 23 đến 25-4, Nga đã mời 124 quốc gia, trong đó hơn 100 nước xác nhận tham dự, còn Mỹ và các nước châu Âu đều từ chối.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” quan hệ giữa Nga với NATO?

Trước hết, đó là sự “đóng băng” quan hệ giữa Nga và Mỹ, thành viên chủ chốt của NATO. Cùng với vấn đề Ukraine, bán đảo Crimea, Washington cáo buộc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ năm 2016 (dù bản kết luận điều tra mới đây không buộc tội Nga); chỉ trích vai trò của Nga ở Syria, thương vụ S-400 giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)… Những mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ tác động đến các đồng minh của Washington ở châu Âu rõ nét.

Hai là, NATO đã không thực hiện cam kết giữa Mỹ với Liên Xô cũ khi giải quyết bức tường Berlin sụp đổ, rằng Mỹ và các đồng minh không mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đến gần biên giới Nga cũng như các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu. Thế nhưng, NATO liên tục kết nạp các nước này làm thành viên, gây sự bất bình từ Nga. Thậm chí, NATO còn bố trí nhiều cơ sở quân sự sát đường biên giới Nga, tổ chức nhiều cuộc tập trận trên quy mô lớn.

Hãng RIA Novosti dẫn phát biểu của Phó Tổng Thư ký NATO Rose Gottemoeller tiết lộ một văn kiện được thông qua tại hội nghị ngoại trưởng của liên minh quân sự này ở Washington mới đây đề cập việc tăng cường hoạt động tại Biển Đen. Theo bà Gottemoeller, NATO sẽ triển khai nhiều biện pháp thực tế để hỗ trợ Ukraine và Georgia, trong đó chú trọng huấn luyện, đào tạo lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển, trao đổi thông tin và tập trận.

Ba là, gia tăng tiềm lực quân sự. Chi phí quân sự của NATO không ngừng gia tăng (khoảng 1.000 tỷ USD), hiện cao hơn chi phí của Nga gấp 22 lần.

Tháng 3 vừa qua, NATO còn khẳng định về kế hoạch xây dựng kho cất giữ các thiết bị quân sự của quân đội Mỹ tại Ba Lan nhằm tăng cường phòng thủ. Kho cất giữ thiết bị quân sự trị giá 260 tỷ USD này sẽ được xây dựng tại Powidz, cách Warsaw 200km về phía tây và là nơi cất giữ xe bọc thép, đạn dược, vũ khí cho một lữ đoàn. Ngoài ra, NATO còn để Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa đánh chặn, nhằm mục tiêu mà họ gọi là “mối đe dọa từ Nga”.

Diễn biến đó làm tình hình châu Âu căng thẳng chưa từng có, không tạo ra cơ chế đối thoại để giải quyết các bất đồng mà chỉ dẫn đến những nguy cơ có thể biến thành xung đột vũ trang nguy hiểm. Thậm chí, các tướng lĩnh về hưu cũng như đương nhiệm của Mỹ quan ngại rằng, tình trạng thiếu liên lạc giữa Moscow và Washington có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân “vì sai lầm hoặc tính toán sai”.

Trong khi đó, Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc các lực lượng của NATO được tăng cường tại châu Âu. Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào, nhưng không làm ngơ trước những hành động tiềm ẩn nguy cơ đối với các lợi ích quốc gia của Nga. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã tuyên bố, nước ông xem chính sách mở rộng của NATO ở châu Âu là một di sản của Chiến tranh Lạnh, một chiến lược chính trị - quân sự sai lầm và phá hoại.

Có thể nói, sự “đóng băng” trong quan hệ Nga - NATO cả trong quân sự lẫn dân sự là hướng đi tiêu cực, mà theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grushko, nó ảnh hưởng đến sự ổn định trong toàn bộ khu vực Euro-Atlantic.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.