Thủ tướng Boris Johnson đến nay vẫn khẳng định, nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10 bất kể có đạt được thỏa thuận hay không. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận mới, đồng thời kêu gọi “hãy để Brexit được hoàn tất một cách hợp lý và thực tế phù hợp với lợi ích của hai bên”.
Ông Johnson kiên quyết cho rằng, thỏa thuận mà EU và người tiền nhiệm của ông là bà Theresa May ký hồi tháng 11-2018 đã chết từ trong trứng nước và phải được thay đổi, nhất là điều khoản “chốt chặn” về biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh); theo đó tránh khả năng thiết lập “biên giới cứng” với những điểm kiểm soát hải quan.
Điều khoản “chốt chặn” là đề xuất của Brussels, buộc Anh tuân thủ một số quy định của EU cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận thay thế. Điều khoản “chốt chặn” là nguyên nhân lớn nhất khiến thỏa thuận Brexit không được Quốc hội Anh ủng hộ, đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc, buộc bà May phải xin gia hạn Brexit 2 lần trước khi từ nhiệm.
Khi nhậm chức, Thủ tướng Johnson nhiều lần kêu gọi EU loại bỏ điều khoản này để mở đường tháo gỡ bế tắc Brexit. Song, EU giữ quan điểm ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện tại và từ chối đàm phán lại. EU yêu cầu Thủ tướng Johnson đưa ra các giải pháp khả thi thay thế phương án “chốt chặn” và kịch bản “không thỏa thuận” sẽ chỉ là quyết định của Vương quốc Anh, chứ không phải của khối gồm 28 thành viên.
Ngay trong nội bộ nước Anh, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cảnh báo, Brexit không thỏa thuận đồng nghĩa với việc phó mặc quốc gia này cho Tổng thống Donald Trump và các công ty Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ làm mọi cách cần thiết để ngăn chặn kịch bản này.
Trong bài bình luận đăng trên báo The Independent, ông Corbyn viết: “Cuộc chiến nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận không phải là cuộc chiến giữa những người muốn rời EU và những người muốn ở lại, mà là cuộc chiến giữa nhiều người chống lại một số người đang lợi dụng kết quả trưng cầu ý dân để giành thêm quyền lực và tài sản cho những người ở tốp trên”. Ngược lại, lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage kêu gọi Thủ tướng Johnson từ bỏ thỏa thuận rút lui và đưa nước Anh rời khỏi khối vào ngày 31-10 mà không có thỏa thuận.
Những quan điểm khác nhau đó khiến Brexit rối như tơ vò. Đồng thời, tương lai chính phủ của Thủ tướng Johnson trở nên mong manh khi các nghị sĩ Anh sẽ trở lại nghị trường từ ngày 3-9 tới sau kỳ nghỉ hè.
Các cuộc bỏ phiếu trước đó tại Quốc hội cho thấy, đa số ủng hộ các biện pháp ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, đa số này không vững chắc bởi được tạo thành từ những nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau với hệ tư tưởng không đồng nhất. Đáng chú ý, ông Corbyn đã thuyết phục thành công đảng Tự do Dân chủ, đảng Xanh, một số nhân vật Bảo thủ hay đảng Dân tộc Scotland nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Sau cuộc họp mang tính biểu tượng tại Church House, các nghị sĩ đã ký một thông cáo chung thừa nhận sự khẩn cấp phải hành động cùng nhau nhằm tránh Quốc hội ngừng hoạt động và có thể đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10 bằng bất kỳ giá nào.
Có thể nói, điều khoản “chốt chặn” là rào cản đối với Brexit và tiếp tục là cái gai cho cuộc “ly hôn” đầy sóng gió giữa Anh với EU. Thủ tướng Johnson cho rằng, mọi phân tích đều chỉ ra tương lai Brexit phụ thuộc hoàn toàn vào việc các đối tác EU có sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề sống còn này hay không. Song, để các nhà lãnh đạo EU thay đổi quan điểm đối với một “vấn đề khó” như vậy là điều không dễ.
TUYẾT MINH