Chỉ còn gần 2 tuần nữa Anh sẽ chia tay Liên minh châu Âu (EU) dù hai bên có đạt được thỏa thuận hay không. Những ngày qua, các đội đàm phán kỹ thuật của Anh và EU chạy đua với thời gian để tìm kiếm thỏa thuận Brexit nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn về quan điểm của hai bên.
Dù vậy, EU và một số ngoại trưởng vẫn lạc quan về việc sẽ đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 17 và 18-10, hội nghị cuối cùng trước khi xứ sở sương mù rời “mái nhà chung” theo kế hoạch vào ngày 31-10 tới.
Điểm bế tắc chính ngăn cản việc đạt được thỏa thuận là những sắp xếp về hải quan và an ninh biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh). Anh đề xuất Bắc Ireland vẫn ở lại khu vực hải quan của Anh, nhưng thuế của EU được áp với tất cả hàng hóa từ lục địa của Anh tới đảo này. Trong khi đó, EU cho rằng, cần cân nhắc trở lại giải pháp giữ Bắc Ireland trong liên minh hải quan của khối mà Anh đã bác bỏ trước đó. Vấn đề đường biên giới Ireland là một nút thắt khó gỡ, đặc biệt là việc ngăn chặn khu vực Bắc Ireland trở thành “cửa sau” vào thị trường EU mà không có các biện pháp kiểm soát biên giới.
Có thể nói, hành trình Brexit quả lắm chông gai. Các cuộc đàm phán dài hơi của Anh với EU để có được một thỏa thuận về Brexit để lại nhiều chấn thương. Khi trở thành Thủ tướng thay bà Theresa May, ông Boris Johnson nhất quyết chọn con đường ra đi vào ngày 31-10 dù có thỏa thuận hay không. Nữ hoàng Elizabeth II ủng hộ điều này và yêu cầu chính phủ Anh phải làm tốt những công việc trọng tâm khi rời EU như: Anh muốn trở thành đối tác mới của EU dựa trên nguyên tắc tự do thương mại và hợp tác hữu nghị; các bộ trưởng của Anh sẽ làm việc theo cách thức quản trị mới trong các lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp và thương mại. Ngoài ra, Nữ hoàng Elizabeth II cam kết sau Brexit, Anh tiếp tục giữ vững vai trò một trong những nước dẫn dắt các vấn đề trên thế giới, bảo vệ quyền lợi của xứ sở sương mù và thúc đẩy quảng bá “giá trị Anh” ra thế giới…
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid thông báo, chính phủ đang lên kế hoạch cho ngân sách đầu tiên thời kỳ “hậu Brexit” và sẽ công bố dự thảo ngân sách này vào ngày 6-11. Đây sẽ là ngân sách chi tiêu đầu tiên sau khi Anh rời EU, trong đó chính phủ đưa ra kế hoạch định hình kinh tế Anh trong tương lai, khởi động cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng Javid cũng nêu rõ, trong trường hợp xảy ra Brexit không thỏa thuận, chính phủ sẽ nhanh chóng vạch ra cách tiếp cận mới và sớm hành động để hỗ trợ nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình.
Như vậy, “giới hạn đỏ” cho Brexit dù có thỏa thuận hay không chỉ còn lại khoảng thời gian rất hẹp để Anh và EU đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng có một thực tế hiển nhiên, nếu kịch bản tồi tệ diễn ra là không có thỏa thuận Brexit thì cả Anh lẫn EU đều hứng chịu hậu quả. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, Brexit không thỏa thuận sẽ khiến nước Anh chịu thiệt hại nhiều nhất, song nó cũng sẽ tác động tới tất cả mọi bên khác.
Vậy câu hỏi đang làm cho dư luận hồi hộp chờ đợi là Anh và EU vượt qua “giới hạn đỏ” Brexit trong những ngày đến như thế nào? Nếu Thủ tướng Johnson không đạt được thỏa thuận Brexit, sau khi hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc, ông sẽ phải tuân thủ một luật mới được thông qua hồi tháng 9, trong đó yêu cầu chính phủ đề nghị trì hoãn Brexit thêm 3 tháng.
TUYẾT MINH