Việc thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong chiến dịch của Mỹ ở tây bắc Syria là bước tiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với cuộc chiến chống IS đi đến hồi kết, không có nghĩa đã triệt tiêu hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố hay những tư tưởng cực đoan.
Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper phát biểu trong chương trình của kênh truyền hình CNN rằng, cái chết của al-Baghdadi có ý nghĩa biểu tượng rất lớn nhưng không giúp chấm dứt sự tồn tại của IS, bởi nhóm khủng bố này có ngay người khác đảm nhận vai trò mà al-Baghdadi để lại. GS. Jean Piere Filiu giảng dạy tại Trường Khoa học chính trị Paris cho rằng, cái chết của al-Baghdadi “không ảnh hưởng sâu rộng tới cách vận hành và chiến lược của IS” bởi vì chúng có nhiều lá chủ bài khác trong tay.
Tháng 4 vừa qua, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố IS tại Syria đã sụp đổ, al-Baghdadi tái xuất trong một đoạn video lan truyền trên mạng, kêu gọi thực hiện các hành động trả thù cho những thất bại của IS ở Syria. Các chuyên gia nhận định, IS đang trải qua thời kỳ tái thích nghi và đang bước vào giai đoạn mới của quá trình lan rộng ra toàn cầu. Nguy cơ về việc IS tập hợp lực lượng và có thể trỗi dậy là có thật khi lực lượng này chỉ định Abdullah Qardash là thủ lĩnh mới, thay thế al-Baghdadi.
Trong khi đó, IS đã thay đổi phương thức hoạt động. Nhiều thành viên IS đã lựa chọn phương thức “ẩn mình chờ thời” để tiến hành các vụ tấn công khủng bố theo kiểu “con sói đơn độc”.
IS có một mạng lưới yểm trợ, đặc biệt là về mặt tài chính, ở khắp khu vực, từ Lebanon, đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan. Điển hình là giới quan sát cho rằng al-Baghdadi ẩn náu đâu đó tại Iraq, thì cuối cùng đặc nhiệm Mỹ phát hiện ông ta có mặt ở lãnh thổ Syria. Điều đó có nghĩa là IS đang tìm cách “tổ chức lại” và có thể chọn Syria làm địa bàn hoạt động để chuẩn bị các đợt phản công.
Ngoài ra, tàn quân IS có xu hướng “bắt tay” với các nhóm thánh chiến cực đoan trong khu vực và vẫn còn hiện diện ở Syria, Iraq, Libya hay Afghanistan... IS cũng được cho đang mở rộng địa bàn hoạt động sang cả Đông Nam Á.
Theo thống kê của các cơ sở dữ liệu về chống khủng bố trên toàn thế giới, khoảng 40.000 phần tử IS tại hơn 100 quốc gia đang hoạt động ở Trung Đông, châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Vì thế, IS có thể mất thủ lĩnh cao nhất, song những phần tử lãnh đạo ở cấp thấp hơn sẽ tiếp tục hoạt động trong bóng tối và những đối tượng này ngày càng xảo quyệt, cực đoan hơn.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là các thành viên người nước ngoài được IS huấn luyện chính là một nguy cơ đối với nhiều quốc gia khi những đối tượng này hồi hương. Bên cạnh đó, cũng có khả năng IS sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên không gian mạng về những tư tưởng thánh chiến cực đoan, đồng thời kêu gọi trả thù cho al-Baghdadi. Chiến lược này còn khiến giới chức an ninh tại nhiều nước “đau đầu” hơn do không thể lường trước mối đe dọa của IS.
Giới nghiên cứu về khủng bố quốc tế cho rằng, giống như Al-Qaeda, IS vẫn tồn tại. Có thể sau cái chết của al-Baghdadi, IS sẽ im hơi lặng tiếng một thời gian và tập trung khai thác cái chết đó để tuyển mộ thêm chiến binh. Các vụ khủng bố tự sát sẽ tiếp diễn, bởi mục tiêu sau cùng của những phần tử cuồng tín này là chết như những người “tử vì đạo”.
Ở một khía cạnh khác, môi trường để tư tưởng cực đoan của IS tiếp tục phát triển vẫn còn. IS nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung vẫn là mối đe dọa lớn bởi cộng đồng quốc tế hiện thiếu kế hoạch và chiến lược chống khủng bố hiệu quả, một phần do sự bất đồng địa chính trị và tranh giành vị thế siêu cường giữa các nước, và thất bại trong việc giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn tới chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Những điều này cho thấy cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung chưa thể kết thúc mà sẽ chuyển sang một hướng mới có khả năng phức tạp, dai dẳng và quyết liệt hơn.
TUYẾT MINH