Trong nhiều thập niên qua, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của thế giới, Israel đã xây dựng hơn 120 khu định cư tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm. Khoảng nửa triệu người định cư Do Thái đang sống ở các khu định cư tại Bờ Tây.
Chính sách của Mỹ trong 4 thập niên qua cũng luôn chống đối Israel xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ của Palestine mà họ chiếm đóng trái phép, vì Washington cho rằng các khu định cư đó “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên, ngày 18-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Việc xây dựng các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây, về bản chất, không phải không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ông Pompeo dẫn đánh giá năm 1981 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rằng, các khu định cư không phải “vốn đã bất hợp pháp”, đồng thời cho biết chính phủ Mỹ không bày tỏ quan điểm về tình trạng pháp lý của bất kỳ khu định cư riêng lẻ nào, hoặc giải quyết hoặc đánh giá về tình trạng cuối cùng của khu vực Bờ Tây.
Đây là động thái mới nhất cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel, nhưng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa chính phủ Tổng thống Donald Trump và người Palestine, cũng như gây chia rẽ thêm trong quan hệ giữa Washington và các đồng minh truyền thống ở châu Âu.
Đáng chú ý, việc Mỹ thay đổi lập trường được loan báo đúng thời điểm nhạy cảm ở Israel khi Thủ tướng mãn nhiệm Benjamin Netanyahu không thành lập được chính phủ sau bầu cử.
Cơ hội lãnh đạo Israel chuyển sang cho ông Benny Gantz - cựu Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel, lãnh đạo đảng Xanh và Trắng. Vì vậy, sự đảo ngược chính sách của Mỹ chẳng khác gì một món quà dành cho ông Netanyahu, sau hàng loạt động thái của Washington ủng hộ Israel như: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel ở cao nguyên Golan…
Theo ông Netanyahu - người vẫn có cơ hội trở lại làm Thủ tướng, chính sách của Mỹ “phản ánh một sự thật lịch sử rằng người Do Thái không phải là kẻ thực dân chiếm đóng Judea và Samaria (tên gọi trong Kinh Thánh cho Bờ Tây).
Các nhà bình luận cho rằng, quyết định của Mỹ sẽ gây khó khăn thêm cho ông Gantz trong tiến trình thành lập chính phủ. Ông Gantz một mặt “khen ngợi quyết định quan trọng” của Mỹ, một mặt tuyên bố thêm “số phận các khu định cư của người Do Thái sẽ phải được định đoạt qua các hiệp ước đáp ứng những đòi hỏi về an ninh và hòa bình”.
Ở khía cạnh khác, một nhà phân tích chính trị của Israel nhận định, thông qua Mỹ, ông Netanyahu muốn “đánh lá bài sau cùng”: sáp nhập thung lũng sông Jordan vào lãnh thổ Israel, nếu vị chính trị gia này trở lại làm thủ tướng.
Trong khi đó, người Palestine lập luận rằng, lập trường mới của Mỹ cho thấy sự coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Geneva lần thứ 4 năm 1949 và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), cộng đồng quốc tế coi việc đưa thường dân của bất kỳ nước nào đến cư ngụ tại các vùng đất mà nước đó đã chiếm đóng là điều bất hợp pháp.
Nhà thương thuyết người Palestine Saeb Erekat lên án quyết định của Mỹ, cho rằng Washington đang đe dọa thay thế luật pháp quốc tế bằng “luật rừng”. Còn ông Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định:
“Mỹ không đủ tư cách cũng như không được phép phủ nhận các nghị quyết hợp pháp quốc tế. Mỹ không có quyền hợp pháp hóa các khu định cư của người Israel”.
Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối và cảnh báo về quyết định của Mỹ. LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Anh, Nga, các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ đều chỉ trích quyết định này.
Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit cho rằng, những thay đổi đáng tiếc như vậy trong quan điểm của Mỹ có thể thúc đẩy những người định cư Do Thái có hành động bạo lực hơn nhằm vào người Palestine.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh, chính sách định cư của Israel “làm xói mòn triển vọng giải pháp 2 nhà nước cũng như triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài”.
TUYẾT MINH