Tín hiệu tích cực cho START-3

.

Trên Twitter, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea, xác nhận đã thống nhất với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkob về thời gian và địa điểm tổ chức đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân, cụ thể là tại Vienna (Áo) vào ngày 22-6. Đây được xem là tín hiệu tích cực giữa lúc Hiệp ước New START (START-2), tức Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới giữa Washington và Moscow sắp hết hạn vào tháng 2-2021.

Nga cùng Mỹ ký kết START-2 vào năm 2010. Là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn hiệu lực giữa hai siêu cường, START-2 quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai hay chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn hạt nhân và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm.

Trong lúc tìm kiếm sự đồng thuận cho START-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang gây tốn kém. Trung Quốc hiện là quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, với khoảng 300 vũ khí hạt nhân. Ông Trump kêu gọi xây dựng thỏa thuận hạt nhân 3 bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ vì theo quan điểm của Washington, START-2 có một số thiếu sót và “lỗi thời”.

Ông Billingslea trước đây cảnh báo, Bắc Kinh có thể đã tiến hành một chương trình xây dựng vũ khí hạt nhân bí mật, không bị ai kiềm chế. Ông Billingslea cho biết, Trung Quốc đã được mời dự vòng đàm phán hạt nhân sắp tới giữa Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc từ chối tham gia đàm phán. Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, Bắc Kinh không có ý định tham gia bất kỳ cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí 3 bên nào.

Trong khi đó, Nga ủng hộ đàm phán về START-3 nên có sự hiện diện của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Song, Moscow tuyên bố không gia tăng sức ép với Trung Quốc tham gia đàm phán.
Giới quan sát cho rằng, Mỹ đã xây dựng các kịch bản khác nhau để tiến tới đàm phán về START-3 không chỉ có Nga mà Trung Quốc tham gia. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu trước báo giới mới đây đã nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không mạo hiểm đối với kho vũ khí răn đe chiến lược, chúng tôi nhất thiết phải hiện đại hóa nó”. Ông nhấn mạnh: “Đây là điều quan trọng khi tính đến việc Trung Quốc hiện đang ở quỹ đạo nào và Nga có thể sẽ đi đến đâu trong những năm tới”.

Vậy Trung Quốc có xuất hiện tại vòng đàm phán sắp tới và START-3 có sớm được ra đời không? Đây vẫn là câu hỏi bởi START-2 hết hiệu lực vào tháng 2 thì không đủ thời gian để đàm phán một thỏa thuận mới bao gồm cả Trung Quốc. Diễn biến này là bước tiến tích cực cho thấy khả năng chính phủ Mỹ có thể đưa ra lập trường mềm dẻo hơn về vấn đề gia hạn START-2 để có thời gian đàm phán về START-3.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.