Giáo dục

Sinh viên thời “bão giá”

15:23, 07/04/2008 (GMT+7)

Đã qua đi những cảm xúc ban đầu của ngày nhập trường đầy háo hức và lạ lẫm. Ước mơ thành hiện thực rồi. Nhưng ai có thể sống mãi trong niềm vui chiến thắng mà quên đi thực tại được đâu. Ai đã, đang là sinh viên (SV) đều hiểu rằng, những lo toan cuộc sống từ nay sẽ tự mình gánh vác và đảm đương lấy.

Giá tăng chóng mặt

Trong mấy tháng trở lại đây, sự tăng liên tục và tăng vọt của giá cả trên thị trường với tất cả các mặt hàng đang là một vấn đề khá bức xúc trong đời sống xã hội nói chung và giới SV nói riêng. SV các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… chủ yếu đến từ các vùng quê khác nhau của đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng phần lớn “cái nghèo” vẫn luôn là “người bạn” đồng hành với họ.

Chỉ sau mấy tuần nghỉ Tết, khi trở lại trường đã thấy giá gạo tăng, giá gas tăng…, rồi tiền nhà trọ, tiền điện, nước cũng tăng, tiền gửi xe tăng. Thứ gì cũng tăng, ngoài túi tiền của SV thì nhất quyết không thể nhích hơn được mấy. Thắng, SV Đại học Kinh tế Đà Nẵng than thở: “Sống trong thời “bão giá” quả là khổ cho tụi SV chúng em, cái gì cũng đắt đỏ, ăn không dám ăn, mua không dám mua, tiện tặn từng tí một mà vẫn túng thiếu”. Còn Hiền và Lan, Đại học Duy Tân cũng than rằng: “Chúng em vất vả lắm khi giá cả mọi thứ đều tăng. Trước đây, hai chúng em chi 15 đến 20 nghìn đồng là có thể đi chợ ăn được một ngày, còn hiện nay thì cái gì cũng đắt đỏ mà túi tiền thì quá ít ỏi. Ăn cơm quán cũng chẳng hơn gì, một đĩa lên đến 8-10 nghìn đồng mà cũng chẳng no”.

Tự mình cứu lấy mình!

Để bảo đảm cuộc sống, ngoài mức trợ cấp mỗi tháng được nhận từ gia đình, SV phải đôn đáo kiếm việc làm thêm. Phần thương cha mẹ, phần muốn tự lập, rất nhiều SV đã không ngại nhận những công việc làm thêm nặng nhọc để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Chẳng hạn như Nam, SV Đại học Sư phạm Đà Nẵng, là con nhà nghèo lên phố theo học, do túng thiếu nên cứ hằng đêm, Nam cùng chiếc xe đạp cũ rong ruổi chở một nồi bắp luộc nghi ngút khói đi bán cho tới tận khuya, khi phố vắng tanh mới trở về. Có người làm chân rửa bát hay chạy bàn cho các quán ăn. Có người xin đi giúp việc gia đình sau giờ lên lớp. Và thậm chí có bạn còn đi làm phụ hồ ở một số công trình xây dựng… Như Hiền, SV năm cuối ĐHBK Đà Nẵng, mặc dù rất bận rộn với luận văn tốt nghiệp cuối khóa nhưng cũng tranh thủ đi dạy thêm vào các buổi tối để kiếm tiền phụ vào “đồng lương” ít ỏi mà bố mẹ cấp. Muôn nẻo làm thêm của SV nhiều không kể hết, tất cả chỉ muốn kiếm thêm chút đỉnh để trang trải cuộc sống thời giá lên.

Vẫn biết là vất vả khi phải vừa học vừa kiếm sống, nhưng các SV không có con đường lựa chọn nào khác, đành phải cố gắng. Nam tâm sự: “Đi làm thêm cũng vất vả lắm, không có thời gian để học bài ở nhà, nhiều đêm thức đến gần sáng nên khi lên lớp oải lắm, ngủ gà ngủ gật, chẳng tiếp thu được bài bao nhiêu cả”. Còn Long, SV ĐHBK thì thổ lộ: “Em một buổi đi học, một buổi đi phụ hồ nên tối về mệt nhoài, chỉ muốn nằm ngủ thôi. Có lúc cả 3-4 ngày em không đụng đến bài vở”.

Một đất nước để phát triển rất cần những con người trẻ trung và giàu nghị lực như vậy. Thế nhưng, có ai nghĩ rằng nguồn tri thức từ giảng đường đại học sẽ mất mát, hao hụt đi nếu như một phần sức lực và thời gian của những con người đó cứ bị những lo toan về cơm áo, gạo tiền rút bớt? Dù hiện nay, Nhà nước đã có chính sách cho SV vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng cũng chỉ phần nào giải quyết được khó khăn trước mắt cho những “trí thức nghèo” này mà thôi, bởi SV là những người có mức “lương” được tăng theo cấp số cộng, mà giá cả thì leo theo cấp số nhân. Và hằng đêm, Nam vẫn đi bán bắp, Long vẫn còng lưng đạp xe đi làm… và bao nhiêu số phận khác nữa.

Mặc cho những gì đang xảy ra, giá cả vẫn cứ ngày một leo thang đến chóng mặt. SV chỉ biết lắc đầu nhìn nhau, ngước nhìn giá cả mà thốt lên: Giá ơi! Xuống đi!

LINH GIANG

.