Giáo dục

Bộ GD-ĐT: Đề thi năm nay khó là đương nhiên?

20:12, 27/06/2018 (GMT+7)

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng nội dung tất cả các môn thi, bài thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và 11.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, cuối giờ chiều nay (27-6), Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo tại Hà Nội thông tin về những vấn đề "nóng" trong kỳ thi.

Đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là có tính phân loại cao, song quá sức với học sinh.
Đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là có tính phân loại cao, song quá sức với học sinh.

Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến băn khoăn về việc đề thi các môn được đánh giá là có độ phân hóa khá tốt, song nhiều môn quá khó và khó hơn năm ngoái, đơn cử như môn Ngữ văn, Toán, Hóa học. Đáng nói hơn, sau khi đề thi được đăng tải, Giáo sư Toán/ Hóa học cũng cho rằng không thể giải hết đề này trong thời gian 90 phút.

Trước câu hỏi này, ông Sái Công Hồng - Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, năm nay, Bộ tiếp tục triển khai phương án tất cả các môn thi theo hình trắc nghiệm, trong mỗi phòng thi có 24 mã đề thi. Riêng môn Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận.

Ông Hồng cho rằng, trước khi nói về độ khó của đề thi, cần căn cứ vào nội dung. Hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng nội dung của tất cả các môn thi. Theo đó, nội dung các bài thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và lớp 11, tỷ lệ kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 80-85%, kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 15-20%.

"Tôi nhấn mạnh là nội dung đề thi không vượt quá kiến thức các em đã được học", ông Sái Công Hồng cho hay.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: "Đề thi năm nay không thay đổi so với năm 2017. Nếu nói đề thi năm nay thay đổi cấu trúc là không đúng. Đề vẫn gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. Tất cả đều nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12".

Với môn Ngữ văn, các câu hỏi được ra theo 4 cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Một số câu hỏi đầu tiên, thí sinh chỉ cần đọc, hiểu văn bản là đã có thể "ăn điểm". Còn lại những câu hỏi ở cấp độ vận dụng cao sẽ khó hơn.

"Trong những năm gần đây, Bộ ra đề Văn theo hướng mở và năm nay cũng vậy. Đề ra theo hướng mở, cách chấm thi cũng phải tương ứng. Các ý kiến của học sinh được chấm trên tiêu chí đáp ứng yêu cầu cơ bản của đề bài, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục", ông Hồng giải thích.

Với những môn thi trắc nghiệm, đề thi có các nhóm câu hỏi theo từng cấp độ sắp xếp tuần tự từ dễ đến khó.

Ông Sái Công Hồng cho rằng đề thi năm nay được ra theo hướng tăng cường tính phân hóa. Nếu so sánh với năm 2017, thì độ khó của kiến thức tăng lên là điều hiển nhiên vì nội dung kiến thức được mở rộng sang cả kiến thức lớp 11.

Song học sinh cũng đã được thông báo sớm về nội dung này ngay khi các em đang học lớp 11.

Cũng theo ông Hồng, ở đây không phải đề thi khó, mà có một số câu hỏi khó để phân loại học sinh giỏi. Còn với những học sinh trung bình, vẫn có thể làm được từ 50-60% đề thi.

Độ khó giữa các mã đề thi trắc nghiệm có đồng đều?

Cũng tại buổi họp báo, nhiều ý kiến từ phóng viên băn khoăn về việc độ khó giữa các mã đề thi trắc nghiệm có đồng đều. Câu hỏi này được đặt ra dựa trên việc năm 2017, một số mã đề thi trắc nghiệm có tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9, 10 thấp hơn hẳn so với các mã đề khác.

Trả lời vấn đề này, ông Sái Công Hồng cho hay, đây là năm thứ hai Bộ sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa như nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

“Việc cân bằng độ khó giữa các đề thi, chúng tôi học tập quốc tế, chính là 4 tổ chức uy tín của quốc tế về ngân hàng đề thi chuẩn hóa, vì bản thân chúng ta còn non trẻ. Về cân bằng độ khó ngân hàng đề thi, chúng tôi tiếp tục cập nhật, tập huấn nâng cao năng lực ra đề. Còn câu hỏi “Cân bằng thế nào?” - đây là vấn đề kỹ thuật, có khi phải giải thích 4 ngày với nhiều tiêu chuẩn như: độ lệch chuẩn, phân hóa, sai số, áp dụng khoa học tâm trắc học...", ông Hồng giải thích.

Theo VOV

.