Đà Nẵng cuối tuần

Cơn đau tim dài tập

08:39, 31/07/2010 (GMT+7)

“Thơ văn phú lục chẳng hay/ Trở về làng cũ học cày cho xong”. Xưa, sĩ tử xử sự như thế là chuyện thường tình trong thiên hạ. Nay, quan niệm thi cử đã khác xưa...

Bên trong con thi, bên ngoài phụ huynh hồi hộp đợi chờ.


Nóng ruột chờ điểm thi

Từ lúc mùa thi còn chưa tới, cha mẹ đã “đi trước một bước”, lo lập kế hoạch ôn tập thật hợp lý cho các sĩ tử, nhờ các nguồn thông tin tư vấn để đưa con vô “lò” nào cho thật hiệu quả. Xem lịch thi, nếu con thi xa thì đăng ký vé tàu, xe; nhà khá giả thì trực tiếp đưa con đi, nhà khó khăn thì trăm sự nhờ vào các hoạt động “Tiếp sức mùa thi”. Khó chi thì khó, nhưng cũng gắng sắm cái di động cùi cùi để nó vô a-lô về cho mình biết tin tức – anh Trần Dũng ở thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, có con đi thi Trường Sĩ quan Lục quân 2 ở Đồng Nai, tâm sự.

Nhà ở tổ 12, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nhưng chị Phạm Thị Nga phải nhờ đứa cháu hàng xóm chở con mình đi thi ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Chồng bị bệnh, chị thì suốt ngày lu bu với cái quán tạp hóa, “rời nó ra thì lấy chi nuôi bốn miệng ăn cho cả nhà” – chị than thở. Con thi, chị ở nhà mà ruột gan như có lửa đốt, “mong nó đậu vô đại học, chứ ở nhà đi lông bông lại hư hỏng”.

Chị Nguyễn Thị Tươi nhà ở thôn Nam Thành, cách trung tâm xã Hòa Phong gần 5km, chồng đi làm xa, mọi chuyện ở nhà đều mình chị quán xuyến. Tuy gia cảnh “thường thường bậc trung”, nhưng chị quyết tâm đưa con gái đi thi Trường Đại học Cảnh sát nhân dân ở TP. Hồ Chí Minh, vì chị nghĩ “có cha, có mẹ đi theo, dù răng thì con cũng chắc cái bụng và làm bài tốt hơn”. Cô bé Lê Thị Thắm, con chị, cũng có thi vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nhưng xem ra vẫn mong muốn được làm công an hơn là cô giáo: “Xem phim, thấy công an đầy mưu trí, tài ba, nên em thích lắm. Nguyện vọng 2 của em cũng là trung cấp ngành công an”. Thắm đặt nhiều hy vọng được vào đại học năm nay, bài thi trong trường làm được, bài thi ngoài đời thì em đã loại được một số “đối thủ” ngay từ lúc lập hồ sơ dự thi: Bạn bè em nhiều đứa muốn đi ngành công an, nhưng lại... thiếu chiều cao.

Thảo, con trai chị Nga, đang học lấy giấy phép lái mô-tô. Thắm, con gái chị Tươi, thì cuối tháng 7 này đi làm tạm ở một công ty sản xuất hàng điện tử ở Khu công nghiệp Hòa Cầm, “chứ ở nhà chờ điểm thi, nóng ruột quá”. Ngoài ra, Thắm còn phải lo kèm cặp hai em học hành, sang năm cả hai sẽ vượt “Vũ môn” lên lớp 10 và lớp 6.

Phi đại học bất thành…

“Thơ văn phú lục chẳng hay/ Trở về làng cũ học cày cho xong”. Xưa, sĩ tử xử sự như thế là chuyện thường tình trong thiên hạ. Nay, quan niệm thi cử đã khác, “phi đại học bất thành... phu phụ” - không đại học thì không thành... vợ chồng. Một giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) không muốn nêu tên, có con thi đại học vừa rồi, nói vui rằng, thời a còng này, sau cụm từ “phi đại học bất thành...”, được dân gian “điền vào chỗ trống ” nhiều từ thú vị và bất ngờ lắm. Nhiều người điền vào là nhân (hoặc nhân cách, nhân tài), nhưng một số người bảo rằng phải ghi là lãnh đạo mới chính xác.

Hôm rồi, nói chuyện với anh Trần Đình Phụng (trước kia là giáo viên, nay công tác ở một doanh nghiệp ngành giáo dục tại Đà Nẵng) lúc anh ngồi chờ đứa cháu thi đại học ở Hội đồng thi Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, anh bảo: “Cháu tôi đây từ Duy Xuyên ra thi, nhà kinh tế khó khăn, cha mẹ trông nó vô đại học cho có mảnh bằng, ra trường xin được việc làm là coi như mãn nguyện rồi. Nói nhân cách, nhân tài... chi cho xa xôi”.

So với xưa, quan niệm thi cử khác kéo theo một hệ lụy khác khó tránh: Áp lực đặt lên sĩ tử quá lớn! Một phụ huynh người Hà Tĩnh đưa con trai đi thi ở Đà Nẵng ví von: Xưa Kinh Kha nước Triệu tạm biệt bạn bè bên sông Dịch để sang Tần ám sát Tần Thủy Hoàng đã ứng tác “Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn” (Tráng sĩ một đi không trở về), chừ thì phải nói “sĩ tử một thi không đỗ không về”. Cái nếp nghĩ “hễ thi là phải đậu” không biết đã ăn vào xương tủy con người thời nay từ bao giờ.

Áp lực đặt lên học sinh (và giáo viên, tất nhiên) là có thật và trường càng nhiều thành tích, áp lực càng lớn. Trường THPT Ông Ích Khiêm thuộc nhóm những trường có “đầu vào” thấp hơn so với các trường trung tâm thành phố, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của “cơn bão” áp lực từ các trường thành tích cao ở nội thành dội tới. Để giảm áp lực cho học sinh, theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Huyên, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nắm rõ sức học của từng học sinh để tư vấn cho các em chọn trường, ngành khi thi đại học. Trường cập nhật thông tin về thi cử và hướng dẫn cho học sinh, khuyên các em nên tránh thi vào trường nằm trong top cao quá, em nào yếu thì nên thi cao đẳng, trung cấp. Nhờ đó, các em sau khi đi thi về, làm bài được hay không đều nói chuyện rất hồn nhiên, dường như không bị bất cứ một áp lực nào, bởi các em đã biết trước mình đang đứng ở đâu.

Hàng triệu trái tim đang hồi hộp chờ kết quả thi đại học, cao đẳng. Con đỗ, cha mẹ mừng nhưng lại còn phải lo đủ thứ; con ở trường - lo ăn học; con ra trường – lo “chạy” việc làm. Một khi quan niệm “phi đại học bất thành... (gì đó)” thì cả con cái lẫn bố mẹ đều luôn phải lo vượt “Vũ môn” từ trong trường ra tới ngoài đời và nhiều người coi đó là cơn đau tim... dài tập. Và, không ai nói trước được điều gì, khi kết quả điểm thi đại học, cao đẳng năm 2010, nhiều trường vẫn còn ở phía trước.

VĂN THÀNH LÊ

 

 

.