Giáo dục
Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đề thi khó, dự kiến điểm thi không cao
* Ngày 10-7, công bố kết quả
Diễn ra sau 2,5 ngày, với 5 bài thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có nhiều đổi mới và đáp ứng hai mục đích để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, vì vậy đề thi có sự phân hóa rõ nét.
Dự kiến năm nay điểm thi sẽ không cao. Trong ảnh: Thí sinh vừa hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội tại điểm Trường THPT Trần Phú. Ảnh: P.TRÀ |
Đề hay nhưng không dễ
Tại các điểm thi, nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay khó. Thí sinh Ngọc Anh (tại điểm thi Trường THPT Trần Phú) cho biết, trong tất cả các môn thi, em thấy khó nhất là môn Văn và Toán vì đề dài và có nhiều câu em không làm được.
“Đề thi có khoảng 70% kiến thức lớp 12 và 30% kiến thức lớp 11. Đề Văn khá mới lạ, đòi hỏi phải có cái nhìn tổng quát nhưng chúng em chưa được ôn nhiều trên lớp. Em nghĩ mình chỉ đủ điểm tốt nghiệp”, Ngọc Anh chia sẻ.
Theo một giáo viên ở quận Liên Chiểu, đề thi Toán mặc dù mang tính phân loại tốt, nhưng nặng về hàn lâm, thiếu tính thực tiễn, cần được khắc phục tốt hơn trong mùa thi tới, nhất là để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy - học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Ở những bộ môn tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ, đề thi “dễ thở” hơn nhưng cũng được đánh giá là khó hơn so với năm ngoái. Thầy Lê Văn Phan, Tổ trưởng Tổ Lịch sử của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết:
“Đề thi Lịch sử có cấu trúc giống đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Đề hay nhưng không dễ. Có nhiều câu nằm trong chương trình lớp 12 nhưng đòi hỏi sự liên hệ, so sánh với chương trình lớp 11 nên yêu cầu các em không chỉ nắm vững vấn đề, sự kiện mà còn biết nhận định, đánh giá. Những nhận định này thường không có trong sách giáo khoa mà khi dạy giáo viên sẽ giảng và cho các em tự rút ra”.
Đề thi dài, khó hơn so với năm ngoái nên nhiều giáo viên dự đoán điểm thi sẽ không cao và vì thế điểm chuẩn vào các trường đại học, cao đẳng cũng có thể thấp hơn.
Giám sát chặt khâu chấm thi
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT, dự kiến ngày 10-7 sẽ có điểm thi. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, thành phố đã thực hiện công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, rà soát kỹ cơ sở vật chất, trang thiết bị trước kỳ thi.
Các phương án dự phòng bất trắc trong quá trình giao đề, thu bài cũng được đề ra để không bị động trong việc xử lý. Các phương án hỗ trợ về an ninh trật tự, an toàn giao thông được lãnh đạo thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc suốt quá trình trước, trong và sau mỗi buổi thi.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, kỳ thi năm nay tại thành phố không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm quy chế. Về chấm thi, có 140 cán bộ, giáo viên làm công tác chấm thi tại Đà Nẵng. Hiện nay, Sở GD-ĐT tiến hành công đoạn rọc phách theo đúng thủ tục, sau đó sẽ có 2 tổ chấm thực hiện công đoạn: chấm bài trắc nghiệm trên máy quét và chấm bài tự luận môn Ngữ văn.
Để kiểm tra độ chính xác của việc quản lý chấm thi bằng máy tính, tránh sai sót trong khâu hồi phách và vào điểm thi, Ban chấm thi sẽ tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận. Với bài thi trắc nghiệm, việc quét phiếu trả lời trắc nghiệm phải được giám sát chặt chẽ.
Sau khi quét, tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị. Đáng chú ý, năm nay, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân (trước đó, điểm lẻ quy định lấy đến 0,25 không quy tròn).
“Chúng tôi sẽ thảo luận về đáp án, đặc biệt ở môn Ngữ văn, nhất là khi Bộ GD-ĐT ra theo hướng đề mở như năm nay. Sở GD-ĐT cũng phối hợp với thanh tra lưu động của Bộ GD-ĐT giám sát chặt khâu chấm thi để bảo đảm kết quả chính xác, khách quan”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.
Đề thi tổ hợp khoa học xã hội mang tính thực tế, nhiều câu hỏi mở Ngày 27-6, thí sinh trải qua môn thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Công dân) - môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đánh giá chung, đề thi bám sát chương trình lớp 12, nhiều câu hỏi mang tính thời sự đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết nhất định về các vấn đề xã hội. Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT, trong buổi thi cuối cùng, tổ hợp Khoa học xã hội có 101 thí sinh vắng thi, 98,75% thí sinh dự thi. Tình hình an ninh trật tự ở 25 điểm thi trên địa bàn thành phố được bảo đảm tốt, không có sự cố bất thường nào xảy ra. |
PHƯƠNG TRÀ