Từ công tác đào tạo đến việc làm của thành phố trong năm 2018 đã cho thấy sự chuyển biến khá tích cực, khi cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho đến người học nghề đều bám sát thực tế để dạy và học cái xã hội đang cần.
Khoa Dịch vụ nhà hàng của Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng tham dự Ngày hội việc làm 2018. |
Thay đổi mạnh về cơ cấu
Năm 2018, số lượng cơ sở GDNN không nhiều thay đổi so với năm trước, tuy nhiên về cơ cấu cho thấy sự thay đổi đáng kể. Trong số 64 cơ sở GDNN đang hoạt động, chỉ có 17 cơ sở công lập, 2 cơ sở thuộc doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt có đến 44 cơ sở đào tạo tư thục và lần đầu tiên có 1 cơ sở 100% vốn nước ngoài. Sự tham gia khá mạnh mẽ ở khối tư nhân được xem như làn gió mới trong việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đào tạo những gì xã hội cần và học thì phải làm được.
Đi đầu trong xu hướng đổi mới này là khối các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Các trường đã mạnh dạn thực hiện việc liên kết với các cơ sở khác và doanh nghiệp từ khâu tư vấn tuyển sinh đến đào tạo. Điều này đem lại lợi ích cho các bên khi tận dụng được lợi thế lẫn nhau, đồng thời tiết kiệm tối đa cơ sở vật chất lẫn nguồn lực con người.
Tính riêng “kênh liên kết” này, trong năm 2018, các cơ sở GDNN đã đào tạo được 668 sinh viên hệ cao đẳng, 434 sinh viên hệ trung cấp và 16 học viên sơ cấp. Điểm chung là các cơ sở GDNN đều chú trọng đến công tác tư vấn, tuyển sinh dưới hình thức tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, ngày hội việc làm...
Nhờ cách làm này, chỉ riêng trong năm nay, 29 cơ sở GDNN đã kết nối với 35 doanh nghiệp, giới thiệu chương trình đào tạo, tư vấn tuyển sinh cho hơn 10.000 học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Song song đó, các cơ sở GDNN cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, trường học và địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh... thực hiện 863 lượt chương trình tư vấn tuyển sinh.
Song song đó, các cơ sở GDNN còn chủ động nâng cao chất lượng giảng dạy. Qua công tác kiểm tra đánh giá, cho thấy trình độ kỹ năng nghề của giáo viên tăng 17,38% so với năm 2017. Trong số này có 88,79% giáo viên đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, 78,72% giáo viên đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ, 75,38% đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin...
Đặc biệt, trong năm này, bằng nhiều nguồn lực, các cơ sở GDNN đã được đầu tư trên 26 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Thêm một tin vui là thành phố đã có 2 cơ sở GDNN tư thục và 7 cơ sở GDNN công lập, được Bộ LĐ-TB&XH đưa vào danh sách các cơ sở GDNN trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 với 16 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ Asean và 11 nghề cấp độ quốc gia, với tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị giảng dạy trên 11 tỷ đồng; từ đó thêm một cơ hội cho người học tiếp cận nghề thế giới và khu vực cần tuyển dụng.
Người học nghề đã biết chọn nghề
Câu chuyện do Trường Trung cấp chuyên nghiệp Ý-Việt chia sẻ mới đây tại hội nghị triển khai công tác GDNN năm 2018-2019 đã được nhiều người đánh giá là tiêu biểu cho xu hướng chọn nghề hiện nay. Đó là trường hợp của hai anh em ruột ở quận Thanh Khê.
Người em học nghề hướng dẫn viên ở Trường Trung cấp chuyên nghiệp Ý-Việt, sau khi ra trường đã có việc làm ổn định với thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, người anh học đại học nhưng từ khi ra trường đến nay vẫn chưa có việc làm ổn định, đang phụ bán cà-phê và dự định học một nghề nào đó như người em để sớm ổn định cuộc sống.
Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH thành phố, thời gian gần đây, tâm lý chung trong việc lựa chọn học nghề của người dân thay đổi đáng kể, thay vì chỉ quyết tâm học đại học như trước đây. Trong số học viên tốt nghiệp nghề năm nay có trên 70% có việc làm ổn định, riêng một số ngành nghề như: dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô-tô..., tỷ lệ có việc làm ở mức 90-100%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động được đào tạo nghề chỉ chiếm 10-12% trong tổng số tỷ lệ thất nghiệp của thành phố. Điều đáng ghi nhận trong công tác đào tạo nghề năm 2018 là các cơ sở GDNN đã hướng đến đối tượng học nghề là nông dân, người dân ở các vùng quy hoạch giải tỏa, đền bù.
Trong năm 2018, 1.021 lao động khu vực nông thôn được đào tạo những nghề vốn rất quen thuộc nhưng cần cập nhật kiến thức mới như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây cảnh... Ngoài ra, có một số người đăng ký học nghề thiết kế đồ họa, sửa chữa máy tính. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường lao động khu vực nông thôn, đồng thời cũng mở thêm “thị phần” đào tạo nghề rất tiềm năng cho các cơ sở GDNN trên địa bàn.
Mặc dù công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố trong năm 2018 đã có sự chuyển biến khá tốt, nhưng theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đây chỉ mới khởi đầu. Thời gian tới, các cơ sở GDNN cần cố gắng hơn nữa trong khâu tư vấn tuyển sinh và nâng chất lượng đào tạo, chỉ có vậy mới đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong thời gian đến.
Bài và ảnh: THANH VÂN